Công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến tích cực

Trong Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng từ tháng 10/2007 đến 8/2008, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào khẳng định trong gần một năm qua, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Trong Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng từ tháng 10/2007 đến 8/2008, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào khẳng định trong gần một năm qua, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Trình bày báo cáo tại phiên họp ngày 8/10 tại Hà Nội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác phòng chống tham nhũng và việc triển khai Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Hào cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng đã hoàn thiện hơn, cơ bản đảm bảo hành lang pháp lý để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật phòng chống tham nhũng.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch hoạt động, kê khai tài sản, thu nhập, xây dựng quy tắc ứng xử, trả lương qua tài khoản được triển khai toàn diện và tích cực hơn.

Công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Đến nay đã có hơn 14.400 cuộc thanh tra kinh tế xã hội và chuyên ngành được tiến hành và cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật gần 330 tập thể cùng hơn 1.700 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý gần 120 vụ vi phạm.

Các cơ quan chức năng đã xử lý xong 2 trong số 4 vụ án còn tồn đọng, trong số 8 vụ án trọng điểm được Thủ tướng chỉ đạo tập trung điều tra. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã rà soát các vụ án được phát hiện năm 2007, năm 2008 và đang chỉ đạo xử lý 15 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba nhận định báo cáo trên đã phản ánh khá toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động và kết quả công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế như việc xây dựng thể chế về phòng chống tham nhũng còn chậm, hiệu quả hoạt động của bộ máy chỉ đạo về phòng chống tham nhũng ở một số địa phương chưa cao và việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, giái quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng được dư luận quan tâm rất chậm, có một số vụ án kéo dài do việc trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung, có vụ đã xử lý nhưng chưa được cử tri và dư luận đồng tình vì còn thiếu nghiêm minh.

Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Bộ Tài chính về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục