Công trình Nậm Rốm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

Tỉnh Điện Biên công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh cho Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.
Công trình Nậm Rốm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ảnh 1Một góc cánh đồng Mường Thanh nằm trong thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa.(Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đúng dịp kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh cho Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Đại thủy nông Nậm Rốm là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu), được xây dựng trên lòng chảo Điện Biên Phủ. Đây cũng là công trình lớn thứ 2 cả nước, sau Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn, lương thực của tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ chủ yếu do Trung ương trợ cấp.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.

Ngày 3/10/1963, công trình chính thức được khởi công với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Quá trình thi công trong điều kiện rất khó khăn cả về nhân lực và phương tiện, vừa phải đảm bảo tiến độ vừa phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Song với tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, hoàn thành xây dựng được các hạng mục: đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127m qua sông Nậm Rốm, hệ thống tường chắn bằng bêtông cốt thép dài 68m, cao 17m; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát và hơn 34km mương dẫn nước dọc 2 bên phía Đông và phía Tây của cánh đồng Mường Thanh.

Trên công trường đã có 18 thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Sau gần 7 năm xây dựng, năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành. Việc đưa vào khai thác công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông.

Nhờ đó năng suất lúa tăng từ 20tạ/ha lên trên 60 tạ/ha như hiện nay, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000ha lên đến gần 6.000ha.

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, ngày nay, Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với hiệu quả về kinh tế, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm còn chứa đựng những những giá trị nhân văn sâu sắc, là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, anh em tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu trước đây, nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục