Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P rót 1.000 tỷ đồng đầu tư tại Bình Định

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam quyết định đầu tư vào tỉnh Bình Định với tổng nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực thức ăn gia súc, chăn nuôi và may áo quần.
Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P rót 1.000 tỷ đồng đầu tư tại Bình Định ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 26/9, tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng và ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm tại Bình Định trước sự chứng kiến của bà Ureerar Ratanaprukse - Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết hiện Công ty đã có hai nhà máy chế biến thực phẩm ở Hà Nội, Đồng Nai và đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh lĩnh vực này ở khu vực miền Trung, và Bình Định là một trọng sự lựa chọn tốt nhất.

Hiện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đầu tư vào tỉnh Bình Định với tổng nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực thức ăn gia súc, chăn nuôi và may áo quần.

Cụ thể, Nhà máy thức ăn gia súc Bình Định tại khu Công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định được xây dựng từ năm 2012 với số vốn đầu tư hơn 36 triệu USD, công suất 312.000 tấn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm/năm.

[Thúc đẩy Hàn Quốc đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam]

Trại sản xuất tôm giống ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định xây dựng từ năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, công suất 2,8 tỷ con giống/năm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trang phục ngoài trời CPPC Việt Nam hoạt động từ năm 2014 chuyên sản xuất ấm như Northface, Nautica... xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, ngành chăn nuôi của địa phương đang phát triển khá mạnh, hướng đến chăn nuôi chất lượng cao.

Hiện tổng đàn trâu, bò của Bình Định đạt 316.580 con; trong đó, có 290.890 con bò, 643.102 con lợn cùng đàn gia cầm 7,5 triệu con.

Tuy nhiên, đến nay, Bình Định vẫn chưa có nhà máy chế biến thực phẩm. Do đó, giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi thấp, đầu ra không ổn định, người chăn nuôi luôn đối mặt với rủi ro, khó khăn.

Tại buổi ký kết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đề xuất, giới thiệu 4 địa điểm theo Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Định đến năm 2020 để Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam lựa chọn đầu tư, xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm Bình Định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm là nhu cầu bức thiết của tỉnh hiện nay, giúp địa phương đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi.

Tỉnh Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, thủ tục nhanh nhất để Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư, triển khai dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục