Công ty Malaysia tiếp nhận 23 lao động Việt Nam

Toàn bộ 23 lao động Việt Nam có nguyện vọng ở lại làm việc đã nhận được việc làm tại các bệnh viện ở tại bang Penang (Malaysia).
Tính đến ngày 23/4, toàn bộ 23 lao động Việt Nam có nguyện vọng ở lại làm việc đã nhận được việc làm tại các bệnh viện Seberang Jaya và Pulau Penang tại bang Penang, Malaysia.

Những lao động này đã được Công ty NS Medik - công ty được chủ thầu chính FABER chỉ định nhận lao động Việt Nam từ công ty Asmana - bố trí chỗ ăn ở tiện nghi gần nơi làm việc, nên tinh thần rất phấn khởi.

Theo báo cáo của Công ty NS Medik, trong vòng hai ngày tới, toàn bộ 23 lao động Việt Nam sẽ có giấy phép mới và chính thức được hợp pháp hóa. Khi có giấy phép mới, Công ty NS Medik sẽ hoàn tất các thủ tục đăng ký cư trú hợp pháp cho người lao động, bao gồm khám sức khỏe và xin cấp giấy phép lao động.

Về phần lương và các quyền lợi khác của lao động, NS Medik sẽ duy trì mức lương như Công ty Asmana đã trả cho lao động trước đây, nghĩa là ngoài lương cơ bản 21RM/ngày còn có tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp khác. Tổng khoản tiền mà Asmana trả cho mỗi lao động trước đây trung bình từ 1.000 RM-1.500 RM/tháng (khoảng từ 7-10 triệu đồng).

Như tin đã đưa, 23 lao động này nằm trong số 69 lao động của Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) đưa sang làm việc tại bang Penang từ tháng 6/2010 thông qua Công ty cung ứng lao động Asmana. Đến tháng 8/2011 - thời điểm hết hạn thị thực năm thứ nhất - Công ty Asmana không đóng thuế và làm thủ tục gia hạn thị thực năm thứ hai cho người lao động, thay vào đó chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt, dẫn đến việc chủ thầu chính FABER cắt hợp đồng với Asmana, làm cho 69 lao động Việt Nam mất việc làm kể từ tháng 2/2012 và 52 trong số họ đã bị cơ quan nhập cư của địa phương tạm giữ vì cư trú quá hạn.

Sau khi vụ việc xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Ban quản lý Lao động và Chuyên gia ngoài nước và Công ty Việt Hà - Hà Tĩnh đã tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan của Malaysia như Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Công ty Asmana và Công ty môi giới Houseproud Asia để giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tất cả 69 lao động kể trên.

Ngày 10/4, 40 lao động Việt Nam (trong số 52 người bị tạm giữ) có nguyện vọng về nước đã trở về an toàn trên chuyến bay VN680, tiền vé máy bay do Công ty Asmana chi trả. Trước khi về nước, những lao động này cũng đã nhận được tiền lương cơ bản tháng 2 và tháng 3, tiền làm thêm giờ tháng 1 và tiền khấu trừ các khoản không hợp pháp. Họ sẽ nhận được tiền làm thêm giờ tháng 2 tại công ty VIHATICO trong một vài ngày tới.

Ngày 19/4, đáp ứng nguyện vọng của sáu lao động bên ngoài xin về nước, Đại sứ quán Việt Nam, Ban quản lý Lao động kết hợp với Công ty Asmana đã hoàn thành các thủ tục để đưa sáu chị em này về nước an toàn. Họ đã nhận đầy đủ các khoản tiền lương cơ bản cho đến ngày về, tiền làm thêm giờ và các khoản phụ khác do Công ty Asmana trả. Ngoài ra, họ cũng được Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Công ty VIHATICO hỗ trợ mỗi người 3 triệu đồng như 40 lao động đã về trước đó.

[Lao động VN tại Malaysia đã được trả đủ lương]

Tối 23/4, tại Penang, Trưởng ban Quản lý Lao động và Chuyên gia Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Tiến San đã trao tận tay 12 lao động ở lại làm việc tiền lương cơ bản, tiền làm thêm giờ và tiền làm giấy lưu trú đặc biệt mà Công ty Asmana đã trừ bất hợp pháp. Theo ông San, Công ty Asmana hiện còn nợ 11 lao động (số ở bên ngoài) tiền lương cơ bản tháng 3. Công ty cam kết sẽ trả hết trong tuần này.

Như vậy, sau hơn hai tháng làm việc tích cực, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan chức năng của Việt Nam (Đại sứ quán, Ban quản lý Lao động) tại Malaysia phối hợp với các cơ quan hữu quan Malaysia về cơ bản đã giải quyết xong vụ việc, quyền lợi của người lao động được đảm bảo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục