Công ty Vedan chưa chịu bồi thường cho nông dân

Vedan đang chờ kết quả đánh giá của Hội đồng khoa học để xem xét phần trách nhiệm bồi thường hay hỗ trợ thiệt hại cho nông dân.
Ngày 11/8, Văn phòng luật sư Hoàng Như Vĩnh (đơn vị được Tổng Giám đốc Công ty Vedan Việt Nam ủy quyền) đã có văn bản gửi Hội Nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về việc hỗ trợ thiệt hại cho nông dân và khẳng định “đang chờ kết quả đánh giá của Hội đồng khoa học để xem xét phần trách nhiệm của Công ty Vedan phải bồi thường hay hỗ trợ thiệt hại cho nông dân”.

Đại diện Công ty Vedan cho rằng, các đối tượng được hỗ trợ không thuộc diện chuyển đổi nghề nghiệp từ năm 1996-1997 bởi lẽ những người này trước đây đã được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp sang môi trường khác.

Theo lý giải của Công ty Vedan, vào thời điểm mở luồng khai thông cảng Vedan, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai phối hợp với Cục Hàng hải và chính quyền hai địa phương đã đền bù cho các hộ đóng cọc nuôi trồng thủy sản nằm trong luồng lưu thông của các tàu quốc tế.

Đối với khoản tiền mà Hội Nông dân Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp đơn của nông dân, đưa ra yêu cầu Công ty Vedan hỗ trợ gồm 45% kinh phí thiệt hại đối với những hộ đánh bắt, 48% kinh phí thiệt hại đối với những hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải với số tiền 569,6 tỷ đồng, ngày 11/8, đại diện Công ty Vedan đã chính thức bác bỏ và cho rằng “đây là một yêu cầu quá cao Công ty không thể đáp ứng”.

Công ty Vedan viện dẫn số tiền thống kê thiệt hại trên là do người dân tự kê khai, chưa có cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn xác nhận, đồng thời cho rằng đây không phải là “số tiền thực tế”.

Mặt khác, doanh nghiệp dẫn quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó để khẳng định rằng việc đền bù hay hỗ trợ thiệt hại cho người dân là nghĩa vụ không chỉ của Công ty Vedan mà của tất cả các tác nhân khác.

Hiện nay Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thành lập Hội đồng khoa học, phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá tác nhân gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, xác định tỷ lệ các nguồn thải, qua đó thống kê đánh giá thiệt hại, đề xuất cơ chế để bồi thường do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan Việt Nam và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải gây ra./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục