COP22 hối thúc hỗ trợ tài chính cho những quốc gia dễ bị tổn thương

Chủ tịch Hội nghị thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) kêu gọi lên kế hoạch hành động cụ thể nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
COP22 hối thúc hỗ trợ tài chính cho những quốc gia dễ bị tổn thương ảnh 1(Nguồn: Inhabitat)

Chủ tịch Hội nghị thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22), Ngoại trưởng Maroc Salaheddine Mezouar ngày 7/11 đã kêu gọi lên kế hoạch hành động cụ thể nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên khai mạc của COP22 tại thành phố Marrakech của Maroc, Ngoại trưởng Mezouar hối thúc tất cả các bên tham gia cần cam kết đối với những sáng kiến và hành động khí hậu cụ thể để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là châu Phi, các quốc gia chậm phát triển và các quốc đảo đang phát triển.

Ông Mezouar cũng tái khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy sự chuyển giao, sáng kiến, tài chính và xây dựng năng lực để tạo ra nền kinh tế carbon thấp.

Chủ tịch COP22 nêu rõ: "Hội nghị khí hậu tại Paris đã cho chúng ta cam kết toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu và COP22 tại Marrakech sẽ mang đến hành động khí hậu tham vọng hơn. Tất cả chúng ta cần ứng phó với thách thức nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu."

Về phần mình, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh việc chuyển đổi thành một nền kinh tế và xã hội bền vững với khí phát thải thấp nên là mục tiêu toàn cầu duy nhất.

Theo bà, việc Hiệp định khí hậu Paris sớm có hiệu lực là rất đáng mừng, song đây cũng là lời nhắc nhở rằng kỳ vọng lớn đang đặt lên vai các chính phủ.

Bà nhấn mạnh việc đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định khí hậu Paris không phải là dễ dàng, khi cân nhắc đến những khó khăn trong việc thay đổi quá trình phát triển phát thải nhiều carbon kéo dài 2 thế kỷ qua.

Theo quan chức của Liên hợp quốc này, một nhiệm vụ then chốt nữa là điều phối các nguồn lực tài chính cho phép các nước phát triển phủ xanh nền kinh tế và xây dựng năng lực bền vững. Bà cho rằng các quốc gia nên có những đóng góp cương quyết, táo bạo và kết hợp vào các chính sách quốc gia và kế hoạch đầu tư.

Bà Espinosa cũng kêu gọi hỗ trợ nhằm ưu tiên cho bảo vệ các thành quả phát triển tại những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

COP22 diễn ra từ ngày 7-18/11 với sự tham dự của 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới. Ngoài các phái đoàn chính thức, còn có 3.300 tổ chức tham dự hội nghị.

Hội nghị lần này dự kiến tập trung vào các hành động nhằm triển khai những ưu tiên trong Hiệp định khí hậu Paris trong đó có chuyển giao công nghệ, tính minh bạch và xây dựng năng lực.

Hiệp định khí hậu Paris được thông qua vào tháng 12/2015 tại COP 21 ở Paris, quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiệp định đã có hiệu lực vào ngày 4/11 vừa qua sau khi được 96 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục