Cốt lõi của chiến tranh thương mại và bài học cho Mỹ

Chiến tranh thương mại có thể chỉ là bề ngoài. Xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung.
Cốt lõi của chiến tranh thương mại và bài học cho Mỹ ảnh 1Cờ Mỹ (trái) và cờ Trung Quốc (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiến tranh thương mại có thể chỉ là bề ngoài. Xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung, và Mỹ từng có bài học về việc này.

Sau khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ngày một quyết liệt. Phía Mỹ không chấp nhận tình trạng thâm hụt thương mại ngày một nghiêm trọng với Trung Quốc, cho rằng điều này hoàn toàn là kết quả của việc Trung Quốc áp dụng biện pháp thuế quan bất bình đẳng.

Từ tháng 1/2018, Mỹ quyết định áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, bắt đầu từ tấm pin năng lượng mặt trời tới các sản phẩm nhôm thép, tiếp đó là các mặt hàng thông thường với tổng giá trị lên tới 250 tỷ USD.

Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ không tuân thủ các quy định đa phương quốc tế, độc đoán, chuyên quyền, đưa ra biện pháp trả đũa, tới nay đã áp thuế bổ sung đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Hai nước lâm vào chiến tranh thương mại với quy mô lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, theo giáo sư danh dự Đới Hồng Siêu - nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính trị tại trường Đại học Detroit Mercy - nếu xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung.

Trong cuộc chạy đua này, phía Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt và có xu thế vượt Mỹ.

Ví dụ, trong 20 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc có 9, Mỹ có 11; năm 2018, Trung Quốc có 40 lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, lần đầu vượt Mỹ. Về mạng internet thế hệ 5 (5G), từ năm 2015, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ 24 tỷ USD, Trung Quốc hiện có 350.000 trạm truyền phát sóng 5G, còn Mỹ mới có 30.000 trạm.

Trên phương diện công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Mỹ, nhưng việc Trung Quốc vượt Mỹ chỉ là tương lai gần, nhất là khi xem xét số liệu về đầu tư nghiên cứu phát triển (RD) vì RD là động lực chủ yếu quyết định tương lai của phát triển công nghiệp.

Năm 2016, Trung Quốc đầu tư 410,2 tỷ USD cho RD với 3 triệu nhân lực, còn Mỹ đầu tư 464,3 tỷ USD với 2,9 triệu nhân lực.

Viện Công nghệ Massachusetts dự tính năm 2018-2019, đầu tư RD của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao là tổng mục tiêu của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025.”

Chiến lược này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015, tới nay đã thực hiện được khoảng 3 năm, với tham vọng trong 10 năm làm thay đổi ngành công nghiệp Trung Quốc từ chỗ “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” thành “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao.”

Trong một bài viết đăng trên tờ Tin tức Thế giới mới đây, Đới Hồng Siêu cho rằng những thay đổi mà chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” mang đến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” nhưng đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 337 tỷ USD so với Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao,” thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn. Mỹ sẽ mãi mãi vùng vẫy trong “vũng bùn thương mại.”

Đó là chưa nói tới công nghệ cao phát triển sẽ dẫn tới sự thay đổi về thực lực quân sự và thực lực chính trị của Trung Quốc.

Nhằm đối phó với nguy cơ nêu trên, ngoài việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ còn tăng cường áp chế các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như từ chối bán chip cao cấp cho hãng ZTE (Trung Hưng), không cho mua sản phẩm 5G của Huawei.


[Mỹ-Trung đối mặt với những bất đồng sâu sắc về thương mại]

Hành động này của Mỹ có thể mang lại hiệu quả nhất thời, nhưng xem xét ở góc độ lâu dài lại không mang đến lợi ích gì bởi nó sẽ càng khiến Trung Quốc quyết tâm hơn trong việc độc lập phát triển các sản phẩm công nghệ cao.

Nếu muốn giải quyết vấn đề một cách căn bản, chính phủ Mỹ cần phải lãnh đạo, đầu tư, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Thứ nhất là phát triển kỹ thuật nền móng vì chỉ có kỹ thuật nền móng hoàn thiện mới có thể tiến lên phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Đây là nhận thức chung của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, nhưng nhiều năm nay trong tình trạng “sấm to mà mưa nhỏ” nên không có kết quả. Đây là lúc cần phải lập pháp để thực thi.

Thứ hai là cắt giảm mạnh chi phí quân sự để tiết kiệm kinh phí chuyển sang cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD cho quân sự, kết quả là ngoài Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ chưa đánh thắng một cuộc chiến tranh nào, chi phí quân sự khổng lồ bỏ ra không thu về lợi ích xứng đáng.

Tuy nhiên, nếu Mỹ sớm tỉnh ngộ, quyết tâm thực thi thì vẫn có thể duy trì ưu thế trong cuộc đua công nghệ cao với Trung Quốc.

Năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại lên vũ trụ, đi trước Mỹ trên phương diện vũ trụ.

Quyết tâm đuổi kịp Liên Xô, năm 1958, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng quốc gia, ra sức phát triển giáo dục khoa học và kết quả là đã giành được kết quả xứng đáng, trở thành nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng. Đây là ví dụ rất đáng suy ngẫm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục