Cốt lõi trong chiến lược ngoại giao “thoát hiểm” của Nhật Bản

Theo giới quan sát quốc tế của Trung Quốc, từ trung tuần tháng Chín đến nay, ngoại giao của Nhật Bản đối với Trung Quốc xuất hiện một loạt động thái mới.
Cốt lõi trong chiến lược ngoại giao “thoát hiểm” của Nhật Bản ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka ngày 28/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tờ Minh báo của Hong Kong (Trung Quốc) đăng bài viết với nhận định rằng giới tinh anh chính trị cấp cao của Nhật Bản đang thực hiện chiến lược ngoại giao “thoát hiểm.”

Cốt lõi trong đó là đồng thời duy trì liên minh với Mỹ, thúc đẩy hữu hảo với Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Theo giới quan sát quốc tế của Trung Quốc, từ trung tuần tháng Chín đến nay, ngoại giao của Nhật Bản đối với Trung Quốc xuất hiện một loạt động thái mới.

[Nhật-Trung xác nhận tăng cường phát triển hơn nữa quan hệ]

Trước Quốc Khánh Trung Quốc (1/10), Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe thông qua một clip dùng tiếng Trung chúc mừng Quốc khánh 70 năm của Trung Quốc.

Ngày 4/10, ông Abe trình bày báo cáo chấp chính trước Quốc hội Nhật Bản, nhấn mạnh cần mở ra thời đại mới của quan hệ Nhật-Trung, thúc đẩy quan hệ Nhật-Trung bước vào giai đoạn mới, rõ ràng có ý tạo bầu không khí tốt đẹp cho chuyến thăm Nhật Bản dự kiến vào năm 2020 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 10/10, tàu khu trục 052D mang tên Thái Nguyên, được mệnh danh là tàu lớp “Aegis Trung Hoa” của Hải quân Trung Quốc đã tới căn cứ Yokosuka tham dự nghi thức duyệt hạm được tổ chức ba năm một lần của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự nghi thức quan trọng của lực lượng vũ trang trên biển Nhật Bản, mang ý nghĩa tượng trưng lớn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh quốc tế hai nước Trung-Mỹ cạnh tranh quyết liệt hiện nay, là một đồng minh kiên định của Mỹ, tại sao Nhật Bản lại liên tục có những hành động thể hiện sự hữu hảo với Trung Quốc như vậy?

Sau Chiến tranh Lạnh, trải qua cuộc khủng hoảng tên lửa Eo biển Đài Lan năm 1996 và tranh cãi Trung-Nhật xung quanh vấn đề Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) tại vùng biển Hoa Đông, chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc luôn là kiên trì phương châm cân bằng, mưu đồ liên kết với lực lượng quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, từ sau năm 2016, Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền nước Mỹ, đưa ra nhiều hành động ngoại giao khiến Nhật Bản không vui, như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bỏ qua lập trường của Nhật bản trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên... Những động thái này khiến giới tinh anh chính trị cấp cao của Nhật Bản ngày càng nghi ngờ cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản trong tương lai.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 10, quân đội Triều Tiên bất ngờ phóng thử nghiệm tên lửa từ tàu ngầm vào vùng biển Nhật Bản, khiến Tokyo lo ngại, nhưng Washington không có hành động hay bất kỳ phản ứng nào.

Cốt lõi trong chiến lược ngoại giao “thoát hiểm” của Nhật Bản ảnh 2Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Trái lại, Tổng thống Mỹ còn bày tỏ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên, khiến Nhật Bản nhận thấy rõ việc bảo vệ an ninh quốc gia chỉ có thể dựa vào sức mạnh của chính mình. Ngay cả mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ cũng không thể giúp Nhật Bản đối phó, vậy thì không thể mong chờ Mỹ ủng hộ Nhật Bản đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy.

Từ năm 2017 đến nay, đội ngũ cố vấn chính sách an ninh quốc gia của Thủ tướng Shinzo Abe đã áp dụng chiến lược “thoát hiểm,” theo đó đồng liên minh với Mỹ, thúc đẩy hữu hảo với Trung, ý đồ là cùng “đặt cược” với cả Mỹ và Trung Quốc, nhằm tối đa hóa lợi ích của Nhật Bản. Trong đó liên kết với Mỹ không có ý nghĩa giống như trước đây, chỉ dựa vào sự cung cấp bảo đảm an ninh của Mỹ, mà là tối đa hóa cơ chế đồng minh Mỹ-Nhật hiện có để mua sắm lượng lớn vũ khí của Mỹ, đẩy nhanh tiến trình tự chủ hóa quốc phòng.

Còn hữu hảo với Trung Quốc là nhận thấy sức mạnh quân sự của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản hiện nay khó có thể đơn độc đối phó với Trung Quốc. Vì thế Tokyo áp dụng phương thức hợp tác cục bộ với Bắc Kinh, đảm bảo trong chừng mực nhất định giảm bớt sức đến ép từ Trung Quốc.

Giới phân tích quốc tế của Trung Quốc cho rằng tại cuộc duyệt binh hôm 1/10 vừa qua, Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai với bên ngoài một lượng lớn tên lửa chiến thuật tầm trung có năng lực tấn công lực lượng cơ động tàu sân bay của Mỹ và căn cứ quân sự của Mỹ trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, như tên lửa chiến thuật tốc độ siêu âm thanh Đông Phong 17 (DF17).

Giới chuyên gia quân sự và an ninh Nhật Bản phần đông cho rằng hành động này của Trung Quốc mang thông điệp cảnh cáo Mỹ một cách mạnh mẽ. Chiến lược “thoát hiểm” của Nhật Bản đảm bảo trong tình trạng Mỹ không thể áp đảo Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản vẫn có thể hợp tác với Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, Mỹ chờ đợi Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Đài Loan hay Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc, đây rõ ràng chỉ là ý nguyện một chiều của Mỹ.

Mới đây, một quan chức ngoại giao Nhật Bản từng nói với phóng viên của Mỹ rằng, ngoại giao của Nhật Bản không có nguyên tắc cố định. Vị trí địa lý và sự phụ thuộc của quốc đảo vào nguồn tài nguyên bên ngoài khiến cho sinh tồn dân tộc trở thành vấn đề chiến lược được giới tinh anh chính trị Nhật Bản quan tâm nhất.

Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã kết thúc nhiều năm nay, mặc dù lý tưởng chủ nghĩa tự do từng một thời thịnh hành trên trường quốc tế, nhưng tình hình chính trị quốc tế hiện nay vẫn là trong trạng thái vô trật tự, lấy chủ quyền quốc gia làm hạt nhân.

Trong thời đại ngày nay, khi mà nền chính trị quốc tế ngày càng quay trở lại logic chủ nghĩa hiện thực ưu tiên lợi ích bản quốc, Nhật Bản càng tự chủ và quyết đoán hơn so với trước đây, sẵn sàng độc lập đưa ra chiến lược ngoại giao để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục