COVID-19 tái định hình cuộc cạnh tranh dược phẩm toàn cầu

Việc thiếu vắng sự đa dạng các nhà phát triển vaccine phản ánh sự bất đối xứng trong ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu hàng nghìn tỷ USD, nơi 8/10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất là tại Mỹ, EU.
Trụ sở hãng dược AstraZeneca tại Macclesfield, Cheshire, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở hãng dược AstraZeneca tại Macclesfield, Cheshire, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra một thị trường vaccine hàng nghìn tỷ USD, đem tới cơ hội mở cửa trở lại các nền kinh tế và bắt đầu một cuộc chuyển dịch sang trạng thái bình thường mới.

Khi các đợt bùng phát biến thể Delta cho thấy tỷ lệ miễn dịch cao vẫn là chưa đủ để ngăn chặn các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, hầu hết các quốc gia phát triển đều đã bắt đầu mũi tiêm tăng cường cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, chỉ mới có 1/3 dân số và khoảng 1% người dân các nước có thu nhập thấp được tiêm vaccine đủ liều theo khuyến cáo.

Cuối tháng 8/2021, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng “chừng nào tình trạng không công bằng vaccine vẫn còn tồn tại, virus càng có nhiều cơ hội lan truyền và xuất hiện thêm các biến chủng nguy hiểm hơn, có thể lẩn tránh các loại vaccine mà chúng ta đã có, khiến đại dịch kéo dài.

Nếu thế giới mắc kẹt trong một cuộc chiến không hồi kết với các làn sóng COVID-19 mới, nhu cầu về vaccine là hoàn toàn có thể dự đoán được, đảm bảo một môi trường kinh doanh sôi động và sinh lời cho các công ty dược phẩm.

Pfizer và Moderna dự đoán doanh thu từ vaccine tính riêng trong năm 2021 là 52 tỷ USD và hàng tỷ USD khác mỗi năm từ việc bán các liều tiêm tăng cường.

Dù Johnson & Johnson và AstraZeneca cam kết sẽ bán vaccine với giá phi lợi nhuận cho tới sau khi đại dịch kết thúc, về mặt kỹ thuật, giai đoạn này với AstraZeneca đã kết thúc từ tháng Bảy và trong tương lai không có lý do gì để các doanh nghiệp này phớt lờ mô hình lợi nhuận trong việc phát triển các loại vaccine mới.

Ngoại trừ trường hợp của Sinopharm và Sinovac, các loại vaccine được WHO công nhận đều thuộc các công ty dược phẩm phương Tây.

Việc thiếu vắng sự đa dạng các nhà phát triển vaccine phản ánh sự bất đối xứng sâu sắc trong ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu hàng nghìn tỷ USD, nơi 8/10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất là tại Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).

Đến những năm 1960, các công ty dược phẩm non trẻ của Mỹ và châu Âu vẫn được hưởng lợi từ khả năng tiếp cận các nguồn kiến thức tương đối cởi mở nhằm phục vụ việc đổi mới và phát triển năng lực kỹ thuật.

Khi các công ty này trưởng thành và toàn cầu hóa khiến họ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nước ngoài ngày càng rõ rệt, các chính phủ phương Tây đã gia tăng đáng kể các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ (IP) toàn cầu để bảo vệ công nghệ và củng cố lợi thế cạnh tranh đối với các loại thuốc giá trị cao.

Những quy định nghiêm ngặt này đã từ chối đem đến cho các nước đang phát triển cơ hội tương tự để tiến hành công nghiệp hóa thông qua đổi mới cởi mở và gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng khi trao cho một số tập đoàn phương Tây độc quyền sản xuất các loại thuốc thiết yếu.

COVID-19 tái định hình cuộc cạnh tranh dược phẩm toàn cầu ảnh 1Biểu tượng của tập đoàn dược phẩm khổng lồ Sanofi của Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những thiệt hại to lớn vì gián đoạn kinh tế, dịch COVID-19 có thể thúc đẩy lợi ích lâu dài về năng suất và tăng trưởng bằng cách buộc các doanh nghiệp phải thích ứng, đón nhận công nghệ mới và đón đầu các lĩnh vực mới nổi.

Những áp lực này và nhu cầu chưa từng có về vaccine đã kích hoạt sự đổi mới và đầu tư giữa các công ty dược phẩm ngoài phương Tây, với khả năng làm đảo lộn sự độc quyền của phương Tây trong các liệu pháp phòng ngừa và điều trị COVID-19, tác động tới việc tiếp cận dược phẩm trên toàn cầu.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các “ứng cử viên” vaccine đã được nghiên cứu trên khắp Nam Mỹ (như Cuba và Mexico), châu Phi và Trung Đông (ví dụ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ).

Tuy nhiên, bên ngoài Mỹ và EU, hầu hết hoạt động phát triển vaccine đang diễn ra ở châu Á. Khu vực này là nơi có ngành dược phẩm phát triển năng động, với khả năng duy trì năng lực sản xuất thuốc chi phí thấp và tiếp cận các công nghệ mới để thực hiện các quy trình sản xuất phức tạp.

Các công ty châu Á cũng sẽ thu được lợi nhuận từ những thỏa thuận sản xuất vaccine được WHO phê duyệt.

Các thỏa thuận này bảo vệ công nghệ vaccine, song các nhà sản xuất trong khu vực cũng phải đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cần thiết đáng lẽ được chi cho việc sản xuất vaccine nội địa.

[LHQ kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19]

Tại Hàn Quốc, SK Bioscience đã chi 132 triệu USD để sản xuất vaccine AstraZeneca và Novavax trong khi loại vaccine dựa trên protein của nước này mới bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Tương tự, hãng Daiichi Sankyo của Nhật Bản đã có thỏa thuận sản xuất với AstraZeneca và một nhà phát triển vaccine khác của Nhật Bản, trong khi vaccine sử dụng công nghệ mRNA của riêng họ đã gần hoàn thành thử nghiệm trên người.

Các công ty Hàn Quốc cũng sẽ có dây chuyền sản xuất vaccine mRNA mới do Samsung Biologics triển khai theo thỏa thuận với Moderna.

Một số thỏa thuận sản xuất này đã bộc lộ những thiếu sót của các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, những trường hợp này càng nhấn mạnh thực tế đại dịch đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội vô giá nhằm đẩy nhanh việc tiếp thu các kinh nghiệm trong phát triển vaccine.

Các nhà sản xuất ở phương Tây cũng không tránh khỏi những thách thức này. Johnson & Johnson đã phải hủy hàng triệu liều sau khi để xảy ra sai sót tại một nhà máy tại Mỹ, trong khi vaccine Moderna sản xuất tại Tây Ban Nha và được chuyển vào thị trường Nhật Bản là các lô nhiễm độc.

Các công ty dược phẩm châu Á đang trên đà phát triển hậu đại dịch với những hành trang tốt hơn, và có kinh nghiệm hơn để cạnh tranh với phương Tây.

Các thỏa thuận sản xuất vaccine và cả nguồn vaccine nội địa là những nguồn lực vô giá về chuyên môn, công nghệ, cơ sở vật chất và lợi nhuận khác nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) các liệu pháp mới trong điều trị COVID-19 và các bệnh khác.

Sự đa dạng trong nghiên cứu tại các công ty dược phẩm có thể đem lại nguồn lực mạnh mẽ và tác động lan tỏa có lợi cho việc phát triển các phương pháp điều trị nhiều căn bệnh khác nhau.

Sự bứt phá về tăng trưởng của ngành dược phẩm của châu Á đến vào thời điểm có thể xem là thích hợp, khi sự thay đổi cấu trúc sâu sắc trong thị trường dược phẩm toàn cầu làm suy yếu lợi thế truyền thống của phương Tây.

COVID-19 tái định hình cuộc cạnh tranh dược phẩm toàn cầu ảnh 2Trụ sở hãng dược Moderna tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong 10 năm qua, nhiều bằng sáng chế một số loại thuốc sinh lời cao nhất của các hãng dược phẩm lớn đã bắt đầu hết hiệu lực, thực tế làm giảm doanh thu cần thiết để sản xuất và duy trì lợi nhuận từ các sản phẩm có giá trị cao. Trong khi đó, các thị trường mới nổi, nơi có nhu cầu cao về thuốc gốc rẻ hơn, đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc.

Những xu hướng này buộc các gã khổng lồ dược phẩm của phương Tây phải đa dạng hóa theo hướng sản xuất thương mại các loại thuốc gốc, lĩnh vực mà họ thiếu lợi thế của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

COVID-19 cũng đã tạo ra áp lực đòi hỏi phải cải cách hệ thống quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu hiện hành, vốn đang vấp phải nhiều chỉ trích vì cản trở các biện pháp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã yêu cầu miễn quyền sở hữu tạm thời đối với các phương pháp điều trị COVID-19 và nhận được sự ủng hộ của một nhóm các nước đang phát triển.

Đề xuất này - đang được thảo luận tại WTO - đã bị các công ty dược phẩm phương Tây phản đối kịch liệt nhưng lại nhận được sự tán thành đáng ngạc nhiên từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Nếu thành công, việc miễn trừ sẽ có lợi cho cạnh tranh vaccine bằng cách mở rộng nguồn kiến thức về vaccine ngừa COVID-19 và gia tăng nguồn cung vaccine với mức giá phải chăng.

Dù những đổi mới của các gã khổng lồ dược phẩm phương Tây đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các loại vaccine cần thiết để chống lại COVID-19, đại dịch có thể làm thay đổi cuộc cạnh tranh dược phẩm toàn cầu theo hướng bất lợi cho họ.

Lợi nhuận và ưu thế trong ngành dược phẩm Mỹ và châu Âu nhiều năm nay có thể không thay đổi trong một sớm một chiều, thậm chí có thể trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, không thể phớt lờ những cơ hội mà đại dịch mang lại trong việc “san bằng sân chơi” và đảm bảo khả năng tiếp cận thuốc công bằng hơn, đặc biệt là trước những thay đổi cấu trúc đang diễn ra trên thị trường dược phẩm toàn cầu.

Giống như phần còn lại của thế giới, các hãng dược phẩm lớn phải đối mặt với thực tế bình thường mới sau đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục