COVID-19 khiến các cộng đồng và quốc gia thù địch xích lại gần nhau

Những chiếc khẩu trang được phân phát trên đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh, trên đường ranh giới chia cắt hai miền đảo Cyprus.
COVID-19 khiến các cộng đồng và quốc gia thù địch xích lại gần nhau ảnh 1Tình nguyện viên ở Italy mua thực phẩm giúp người già không thể ra khỏi nhà vì COVID-19. (Nguồn: AP)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn toàn cầu, như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc song trong một số trường hợp, đại dịch cũng tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa các cộng đồng và quốc gia đối địch nhau trong nhiều năm tới.

Những chiếc khẩu trang được phân phát trên đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh, trên đường ranh giới chia cắt hai miền đảo Cyprus, hay việc Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gửi hỗ trợ y tế cho quốc gia đối thủ của mình là Iran, cũng như Trung Quốc và Nhật Bản gửi cho nhau những thông điệp "ấm áp" là những minh chứng điển hình cho điều này.

Căng thẳng giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland đã dịu bớt phần nào nhờ hành động được coi như là "một tia sáng giữa u ám" khi một tổ chức Tin lành dòng Cam ở Bắc Ireland vào tháng 4 đã chuẩn bị một lô hàng thiết bị bảo vệ cá nhân để phân phát ở cả phía Bắc và phía Nam của đường biên giới với Cộng hòa Ireland.

Đây là hành động bất thường bởi những thành viên thuộc tổ chức Tin lành này rất thận trọng và nhạy cảm với việc hợp tác xuyên biên giới, họ coi việc hợp tác xuyên biên giới như cửa ngõ để thống nhất Ireland, điều mà những người Tin lành ở Bắc Ireland không bao giờ chấp nhận.

Trên hòn đảo Cyprus bị chia cắt cũng chứng kiến những hành động gác bỏ hận thù để chung tay chống lại đại dịch khi vào tháng 4, Chính phủ Cộng hòa Cyprus đã gửi 4.000 bộ bảo hộ y tế và 2.000 viên thuốc chloroquine để giúp cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc.

[ Liên hợp quốc cảnh báo làn sóng thù hận và bài ngoại gia tăng]

Đây là hành động thiện chí hiếm có của Cộng hòa Cyprus - thành viên của EU, với Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus vốn không được quốc tế công nhận.

Đầu năm nay, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản cùng các doanh nghiệp nước này đã quyên góp hàng nghìn bộ đồ bảo hộ y tế gửi tới Trung Quốc.

Hành động của Nhật Bản đã nhận được sự cảm ơn từ phía Trung Quốc cũng như sự ca ngợi từ các trang mạng xã hội của nước này. 

Sức tàn phá của đại dịch cũng đã truyền cảm hứng cho những cử chỉ khác thường ở khu vực Trung Đông khi lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Syria xảy ra, Hoàng tử Abu Dhabi (UAE), Mohammed bin Zayed Al-Nahyan đã gọi điện cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad bày tỏ mong muốn giúp đỡ người dân Syria.

Mặc dù vẫn chưa có bất cư thông tin về sự hỗ trợ của UAE cho Syria song vào cuối tháng 3, UAE đã cử một máy bay quân sự chở các chuyên gia y tế của Liên hợp quốc và hàng viện trợ cho đồng minh của Syria là Iran. Đây là hành động đầy bất ngờ bởi UAE là quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ chống Iran.

Theo chuyên gia Michael Stephens thuộc nhóm cố vấn RUSI ở London, việc các nước láng giềng hỗ trợ cho nhau vượt qua đại dịch COVID-19 cũng chính là đang tự bảo vệ chính nước của họ. Nếu một đất nước bị bùng phát đại dịch, việc lây lan sang nước nước láng giềng sẽ là điều khó tránh khỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục