COVID-19 phơi bày điểm mạnh, yếu của các thành viên thay thế ông Abe

Các biện pháp đối phó với COVID-19 đang làm lộ diện dần những điểm mạnh và yếu của các ứng cử viên được cho là có khả năng thay thế Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
COVID-19 phơi bày điểm mạnh, yếu của các thành viên thay thế ông Abe ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp ở Tokyo, ngày 22/4/2020. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo báo Sankei, người chịu nhiều thiệt hại nhất trong thời gian qua là Chủ tịch Hội đồng chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Fumio Kishida.

Ban đầu, khi xây dựng phương án hỗ trợ tiền cho người dân trong đợt bổ sung ngân sách vừa qua, ông Kishida ban đầu chủ trương cấp tiền cho toàn bộ người dân, song sau đó đã rút lại phương án này vì vấp phải sự phản đối của Bộ Tài chính và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.

Cuối cùng, ông Kishida đưa ra phương án cấp tiền cho các hộ gia đình có thu nhập bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19.

Vốn coi ông Kishida là người có khả năng thay thế mình, Thủ tướng Abe ban đầu dường như cũng đã chấp thuận đề xuất của ông Kishida và định nâng số tiền trợ cấp từ 200.000 yen lên 300.000 yen.

[Nhật Bản: Nguy cơ virus SARS-CoV-2 lan rộng trong cộng đồng]

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã thay đổi hoàn toàn phương án hỗ trợ tiền cho người dân bằng phương án mới là hỗ trợ cho toàn bộ mỗi người dân 100.000 yên sau khi thảo luận với Tổng thư ký LDP Nikai Toshihiro và Chủ tịch đảng Công minh Yasuo Yamaguchi trong liên minh cầm quyền.

Sự thay đổi này khiến cho uy tín của ông Kishida bị tổn hại nghiêm trọng.

Là người chịu trách nhiệm chính hoạch định chính sách của LDP, năng lực của ông Kishida bị đặt dấu hỏi sau vụ việc này.

Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cũng bị chế giễu là không có liên quan gì đến quyết định đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc.

Nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng đang có khoảng cách giữa Thủ tướng Abe và Chánh văn phòng Suga?

Tuy nhiên, ông Suga đã chứng minh nhận định này là không chính xác bởi ông vẫn hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng Abe trong kế hoạch phát cho mỗi hộ gia đình 2 khẩu trang vải, đồng thời cũng ra sức bảo vệ Thủ tướng Abe trước các bài công kích Thủ tướng Abe trên mạng xã hội.

Dù vậy, điều đáng nói ở đây là Văn phòng Nội các do ông Suga phụ trách dường như không đưa được ra các chính sách hiệu quả trong đối phó với dịch bệnh, mà vai trò này được giao cho các bộ, ngành có liên quan.

Như vậy, so với vai trò của Chủ tịch Hội đồng chính sách Kishida, vai trò của Chánh văn phòng Suga trên chính trường cũng khá mờ nhạt.

Ngược lại, người gia tăng vị thế của mình với tư cách là ứng cử viên thay thế Thủ tướng Abe là Bộ trưởng phụ trách tái thiết kinh tế Nishimura Yasutoshi. Ông được giao kiêm nhiệm phụ trách đối phó với dịch COVID-19.

Ông Nishimura đã đề xuất với Thủ tướng Abe sớm ban bố tình trạng khẩn cấp và cũng là người thảo luận các biện pháp đề nghị các doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa để ủng hộ tình trạng khẩn cấp của Chính phủ.

Ông cũng là người điều chỉnh Quỹ hỗ trợ tái thiết địa phương để chính quyền các địa phương bồi thường cho các chủ doanh nghiệp đóng cửa theo đề nghị của chính quyền.

Trong khi một số quan chức cho rằng chỉ thông qua đóng cửa mà chủ doanh nghiệp được nhận khoản tiền hỗ trợ thì không phù hợp với quỹ hỗ trợ tái thiết địa phương.

Tuy nhiên, sau khi thảo luận với Bộ trưởng tái thiết địa phương Kitamura Seigo, ông Nishimura vẫn kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình và cho thực hiện kế hoạch này.

Trong khi đó, không gian hoạt động của Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi đang bị giới hạn rất nhiều sau khi nhiều hoạt động ngoại giao bị hủy bỏ.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Motegi sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov trong tháng 3/2020 để bàn về việc thúc đẩy tiến trình ký kết Hiệp ước hòa bình, song kế hoạch này đến nay chưa thể thực hiện được.

Hội nghị của giới chức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Kazakhstan dự định tổ chức vào tháng 6/2020, nơi Ngoại trưởng Motegi muốn dẫn dắt các cuộc thảo luận cải tổ WTO, cũng đã bị hoãn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Motegi cũng phần nào phát huy được năng lực của bản thân khi tiến hành đàm phán với ngoại trưởng các nước khác để đưa công dân Nhật Bản bị mắc kẹt trở về nước.

Trong bối cảnh vui-buồn lẫn lộn giữa các ứng cử viên thay thế Thủ tướng Abe, người được hưởng lợi nhất là cựu Tổng thư ký Ishiba Shigeru, người hiện nay không hề giữ chức vụ quan trọng nào trong Chính phủ hay ban lãnh đạo LDP.

Trong cuộc khảo sát gần đây do báo Sankei và Đài FNN đồng tổ chức, ông Ishiba đã vươn lên đứng đầu danh sách ứng cử viên phù hợp nhất với vị trí Thủ tướng Nhật Bản với tỷ lệ ủng hộ trên 20%.

Thời gian gần đây, ông Ishiba đã hạn chế chỉ trích đối với Thủ tướng Abe, đồng thời tích cực phát ngôn đưa ra các biện pháp đối phó thông qua truyền thông.

Ngày 17/4, ông đã đăng tải trên trang blog cá nhân của mình đề xuất những việc cần làm khẩn cấp, trong đó đưa ra 7 biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng sụp đổ hệ thống y tế do số lượng bệnh nhân tăng nhanh./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục