COVID-19 thử nghiệm giới hạn cơ chế “nhà nước giám sát” của Nga

Giới quan sát đặt câu hỏi việc Moskva vẫn có kế hoạch tổ chức diễn tập duyệt binh nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng có phải là phép thử xác định giới hạn chịu đựng của dân với cơ chế nhà nước giám sát?
COVID-19 thử nghiệm giới hạn cơ chế “nhà nước giám sát” của Nga ảnh 1Những biện pháp quyết liệt của chính quyền thủ đô Moskva của Nga về hạn chế đi lại của người dân và các phương tiện giao đông góp phần tích cực cho việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Theo trang mạng Washington Post/The Guardian.com, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đang lây lan toàn cầu, Nga đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh với các công cụ giám sát người dân của mình.

Thế nhưng, Moskva vẫn có kế hoạch tổ chức diễn tập cho lễ duyệt binh nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng dự kiến diễn ra vào ngày 9/5 tới.

Giới quan sát đặt câu hỏi liệu các biện pháp nói trên có phải là phép thử mà chính quyền Moskva muốn tung ra để xác định giới hạn chịu đựng của người dân nước này đối với cơ chế nhà nước giám sát kiểu của các nước độc tài khác hay không.

“Trại tập trung công nghệ số”

Vùng Nizhny Novgorod của Nga, cách Moskva khoảng 402km về phía Đông Bắc, đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi hôm 4/4 triển khai công nghệ lần dấu sử dụng mã vạch QR.

Ứng dụng này có thể được tải về từ máy điện thoại di động cầm tay, nhằm hạn chế và kiểm soát việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, Moskva lại phản đối việc triển khai công nghệ này, cho rằng việc giảm lượng người đi lại quanh khu vực thủ đô không cần thiết phải dùng đến kế hoạch này.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin thừa nhận “đã có nhiều câu hỏi được đặt ra” về yêu cầu cần có một mã QR để được đi lại quanh thành phố. Trong khi đó, các nhân vật chính trị đối lập và các nhóm hoạt động nhân quyền cũng phản đối mạnh mẽ biện pháp này.

Daria Besedina, nghị sỹ đối lập của Moskva, cho rằng các biện pháp kiểu như vậy chẳng khác nào một “trại tập trung công nghệ số.”

[Thủ tướng Nga không cho phép các địa phương tự ý áp đặt phong tỏa]

Việc Moskva “nói không” với công nghệ mã vạch QR nói trên không chỉ đơn thuần là sự khác biệt về mặt triển khai kế hoạch. Lý do là Tổng thống Vladimir Putin dường như không mấy sẵn sàng thực hiện biện pháp quyết liệt quy mô lớn như các nước độc tài khác thực hiện trong thời kỳ dịch bệnh.

Có lẽ, Putin lo ngại điều này sẽ làm kích động nỗi bất bình của người dân, đồng thời lo sợ rằng biện pháp giám sát kiểu này có thể tồn tại lâu dài ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi.

Để bảo vệ Điện Kremlin trước nguy cơ vấp phải làn sóng bất bình của người dân, Putin đã chuyển giao trách nhiệm thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho các chính quyền địa phương.

Điều này biến một số khu vực của Nga trở thành “những con tốt thí” để đánh giá mức độ chịu đựng của người dân trước các biện pháp giám sát tăng cường.

Tuy nhiên, chính quyền Moskva vẫn chưa quyết định liệu có “theo chân” các nước khác để kích hoạt “cỗ máy giám sát nhà nước” ngoài biện pháp nhận diện khuôn mặt hay không.

Các quy định cứng rắn hơn

Quốc hội Nga hồi tuần trước đã nhanh chóng thông qua một dự luật mở đường cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt “mạnh tay” như phạt tù nếu ai đó vi phạm quy định cách ly.

Giới chức Moskva cảnh báo hệ thống hơn 170.000 camera ở thành phố giám sát bất kỳ công dân nào trốn tránh quy định cách ly.

Theo ông Andrei Soldatov, tác giả cuốn “The Red Web: The Struggle Between Russia’s Digital Dictators and the New Online Revolutionaries” (tạm dịch “Mạng lưới Đỏ: Cuộc vật lộn giữa những nhà độc tài số của Nga và những nhà cách mạng trực tuyến mới”), những hình thức giám sát nói trên sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu quy mô lớn và hoàn toàn mới, sau đó yêu cầu tất cả người dân sinh sống ở Moskva cung cấp thông tin cá nhân cho cơ sở dữ liệu này.

Ông nói: “Khi nỗi lo sợ bao trùm toàn thành phố như hiện nay thì giới chức có thể làm mọi cách để giám sát người dân.”

Nhằm theo dấu những người được xác định dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), giới chức Nga hôm 25/3 đã đưa ra ứng dụng mang tên “giám sát xã hội,” song sau đó đã rút lại ứng dụng này do lo ngại chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai.

Ứng dụng này yêu cầu quyền tiếp cận vị trí, máy ảnh, giọng nói và bất kỳ thiết bị mang theo người nào của người sử dụng. Nghị sỹ đối lập Besedina cho rằng những biện pháp như vậy hoàn toàn điên rồ và chúng không chỉ cho phép việc thực thi giám sát người dân trong tình hình hiện nay mà còn có nguy cơ sử dụng sai mục đích khi kiểm soát người dân lúc dịch bệnh đã qua. 

Vẫn duyệt binh

Theo trang mạng tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Nga vẫn giữ kế hoạch tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9/5 tới đây bất chấp dịch bệnh. Lý do là Điện Kremlin không muốn hủy một sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại như vậy.

Dự kiến Nga sẽ tổ chức các cuộc diễn tập cho lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng này với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Một đoạn hình bị rò rỉ cho thấy có tới 15.000 binh sỹ đã tập hợp cho cuộc diễn tập tại sân diễu binh bên ngoài thủ đô, nơi Bộ Quốc phòng Nga hôm 1/4 đã xác nhận sẽ tổ chức diễn tập.

Sự kiện này là một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với Nga và là một cơ hội được mong đợi lâu nay để khẳng định vai trò lớn mạnh trở lại của Putin sau thời kỳ bị phương Tây cô lập về mặt chính trị.

Trên mạng xã hội Twitter, một tài khoản của Bộ Ngoại giao Nga bình luận: “9/5 là một ngày thiêng liêng đối với hàng triệu người Nga cũng như cộng đồng các quốc gia độc lập. Cuộc diễu binh cho Ngày Chiến thắng đã được lên kế hoạch và sẽ diễn ra tại Quảng trường Đỏ.”

Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny đã chỉ trích cái mà ông gọi là “sự ngu ngốc” của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khi vẫn tiến hành các cuộc diễn tập diễu binh, cho rằng việc tập trung binh sỹ có nguy cơ trở thành “nguồn phát sinh virus corona.”

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho binh sỹ. 

Dịch bệnh đã hủy hoại một sự kiện chính trị trọng đại của Nga khi Putin đã buộc phải trì hoãn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý toàn Nga về những sửa đổi Hiến pháp vốn cho phép ông tiếp tục nắm giữ quyền lực thêm hai nhiệm kỳ nữa.

Và với lễ kỷ niệm tới đây, không chắc các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự khi họ đang phải đối phó với tình hình dịch bệnh trong nước.

Trong khi đó, nhật báo kinh doanh của Nga RBC cho biết Kremlin hiện đang âm thầm suy tính hai khả năng, một là tiếp tục tổ chức lễ kỷ niệm mà không có khán giả và hai là lùi lại cho đến tháng 8 tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục