COVID-19 thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại châu Phi

Để chống lại sự lây lan của đại dịch trong khi vẫn cần giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế-xã hội, châu Phi đang thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia.
COVID-19 thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại châu Phi ảnh 1Thi thể một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi, ngày 9/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang washingtonpost.com ngày 27/7 đăng bài của Giáo sư Landry Signé và nhà nghiên cứu Mary Treacy thuộc Viện Brookings về việc chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại châu Phi, nội dung như sau:

Thế giới đang đương đầu với đại dịch COVID-19 và nhiều chính phủ phải đóng cửa biên giới và rút khỏi chủ nghĩa đa phương cũng như thực hiện các chính sách bảo hộ và hạn chế thương mại.

Các nước châu Phi đang tiếp cận vấn đề theo góc độ khác. Để chống lại sự lây lan của đại dịch trong khi vẫn cần giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế-xã hội, châu Phi đang thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia.

Các tác giả đưa ra bằng chứng về sự xuất hiện của các tổ chức và sáng kiến hợp tác ở châu Phi cũng như khả năng các yếu tố này tác động đến kết quả phát triển và hợp tác quốc tế.

Nghiên cứu các chương trình lục địa như Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi (AUDA-NEPAD), Khu vực Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) và Thị trường Vận tải hàng không châu Phi đơn nhất (SAATM) cho thấy các yếu tố cốt lõi nhất định góp phần gia tăng chủ nghĩa đa phương tại châu Phi.

Tại sao chủ nghĩa đa phương đang gia tăng ở châu Phi? Yếu tố đầu tiên liên quan đến sự phức tạp của những thách thức mà các nước châu Phi đang đối mặt gồm sự phụ thuộc nước ngoài, nghèo đói, bệnh tật và sự kém phát triển diễn ra trong thời gian dài.

Khi nguy cơ bùng phát COVID-19 ở cấp độ toàn cầu, các nhà lãnh đạo châu Phi lo ngại về hậu quả nghiêm trọng của đại dịch bởi nhiều quốc gia của lục địa này thiếu cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng y tế, mức độ vệ sinh thấp và mất an ninh lương thực cao.

[IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi]

Thêm vào đó, sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu và các hoạt động kinh tế ở cấp quốc gia làm hạn chế khả năng tiếp cận với các sản phẩm thiết yếu và đe dọa sinh kế.

Yếu tố thứ hai là sự thúc đẩy của chủ nghĩa đa phương cũng phản ánh sự gia tăng của tính trách nhiệm và chính đáng chính trị. Điều này thể hiện thông qua sự gia tăng ủng hộ của công dân dành cho những chính phủ có trách nhiệm cũng như tăng sáng kiến, sự chính đáng của các giải pháp toàn cầu và trong nước của các nhà lãnh đạo châu Phi.

Chẳng hạn, khi thành lập AUDA-NEPAD, các nhà lãnh đạo châu Phi nhấn mạnh vai trò thiết yếu của cả trách nhiệm cá nhân lẫn tập thể cũng như tính chính đáng để thể chế này hoạt động thành công cũng như nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác phát triển.

Yếu tố thứ ba cũng cần được chú ý. Đó là sự ghi nhận rộng rãi hơn về tính thiết yếu của quản trị linh hoạt và sự hợp tác của nhiều bên liên quan để huy động các nguồn lực và thực hiện thành công các chính sách.

Đến nay, những nỗ lực để đạt được mục tiêu trên bao gồm hình thành các sáng kiến như Cơ chế đánh giá đối đẳng châu Phi (APRM) nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và Sáng kiến cơ sở hạ tầng của tổng thống (PICI) nhằm đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng của châu lục.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) với vai trò đi đầu trong ứng phó với COVID-19. Liên minh châu Phi (AU) đã đi đầu trong điều phối chính sách về COVID-19, tập hợp các bộ trưởng của 55 quốc gia thành viên hồi đầu tháng 2/2020 để hình thành cơ chế ứng phó chủ động và thống nhất, bắt đầu bằng việc áp dụng Chiến lược chung châu Phi về COVID-19.

CDC - cơ quan của AU với chức năng cải thiện năng lực các hệ thống y tế công cộng để ứng phó hiệu quả với sự bùng phát của các dịch bệnh - đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ trên của AU.

CDC đã huy động các nguồn lực để thu hẹp khoảng cách giữa các hệ thống y tế công cộng và phát triển cơ chế phản ứng hiệu quả. Trước khi ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận tại châu Phi, CDC đã ra mắt Lực lượng đặc nhiệm châu Phi về SARS-CoV-2 để phối hợp giám sát, phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát các cơ sở y tế, quản lý lâm sàng đối với các trường hợp nhiễm bệnh, chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, truyền thông rủi ro và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.

Ngoài ra, CDC đã tổ chức các hội thảo khu vực và đào tạo sớm nhằm tăng cường năng lực của các quốc gia châu Phi trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 và ban hành các hướng dẫn, tài nguyên thông tin dễ tiếp cận cho người dân và các chính phủ nhằm trang bị kiến thức về tất cả các khía cạnh của đại dịch.

Để giải quyết các yêu cầu về xét nghiệm diện rộng và nhu cầu cung ứng lớn, mới đây nhất, CDC đã đưa ra sáng kiến Quan hệ đối tác nhằm tăng tốc độ xét nghiệm COVID-19 (PACT) với mục đích hỗ trợ mua sắm, lưu trữ và phân phối thiết bị chẩn đoán và vật tư y tế khác cũng như tiến hành xét nghiệm 10 triệu trường hợp, triển khai 1 triệu nhân viên cộng đồng và triển khai các nền tảng công nghệ để tăng cường dự báo y tế, tốc độ, số lượng, độ chính xác và báo cáo liên quan xét nghiệm.

Hồi đầu tháng 2/2020, châu Phi chỉ có 6 phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2. Mẫu xét nghiệm của trường hợp nghi ngờ đầu tiên ở Côte d’Ivoire phải gửi đến Paris (Pháp) để phân tích.

Châu Phi hiện có hơn 844.000 ca mắc COVID-19 và hầu như tất cả các nước châu Phi đều có khả năng xét nghiệm nhất định, dù khả năng xét nghiệm diện rộng vẫn còn hạn chế.

CDC đóng vai trò hỗ trợ sự hợp tác này giữa các nước châu Phi, giúp các nước huy động những cơ chế phát hiện và phản ứng tốt hơn, đặc biệt khi so sánh với việc ứng phó với dịch Ebola trước đó ở châu Phi.

Do lục địa thiếu sự đa dạng hóa kinh tế và phụ thuộc tổng thể vào xuất khẩu hàng hóa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, việc ngừng hoạt động và hạn chế xuất khẩu đã gây ra nhiều vấn đề trong việc mua vật tư y tế, dược phẩm và thực phẩm.

Đây là lĩnh vực mà việc nâng cao chủ nghĩa đa phương và hội nhập khu vực ở châu Phi tiếp tục chứng minh tính hiệu quả, đặc biệt thông qua AfCFTA.

Được 54/55 quốc gia châu Phi ký kết, AfCFTA hướng tới đạt được "tiếp cận tự do về nguyên nhiên liệu, hàng hóa và dịch vụ trên khắp lục địa."

AfCFTA đang nỗ lực xóa bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa, chuẩn hóa các quy định thương mại, thiết lập các hành lang thương mại để đẩy nhanh dòng chảy tự do của các mặt hàng thiết yếu và xây dựng cơ sở hạ tầng bổ sung để tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.

Những biện pháp này hỗ trợ sự phát triển sản xuất địa phương và phân đoạn nguồn cung ứng hàng hóa trung gian và thành phẩm cuối cùng giữa các nước châu Phi bằng cách tăng thương mại nội khối và chuỗi giá trị khu vực.

Điều đó có thể giúp các nước châu Phi tiếp cận thực phẩm và vật tư y tế từ các nước láng giềng, rút ngắn chuỗi cung ứng, cũng như giảm nguy cơ bị sốc từ bên ngoài và phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Tất cả những lợi ích này sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của châu Phi.

Theo dự kiến ban đầu, AfCFTA có hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua, nhưng việc thực thi hiệp định bị hoãn lại, cho phép các quốc gia tập trung vào ứng phó với COVID-19.

Tổng thư ký AfCFTA Wamkele Mene - nhà lãnh đạo đầu tiên hiệp định này - đang nỗ lực đẩy nhanh các bước tiếp theo để thực thi thỏa thuận thế kỷ này, trong khi vẫn giúp các nước châu Phi đối phó với đại dịch.

Các biện pháp như AfCFTA có thể tăng khả năng của châu Phi để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, các vụ bùng phát dịch bệnh và các cú sốc kinh tế toàn cầu cũng như có thể hỗ trợ các sáng kiến phát triển.

Đây là toàn bộ các mục tiêu phù hợp với những phát hiện từ nghiên cứu trước đó về các sáng kiến đa phương như Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện châu Phi (CAADP), APRM và Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng châu Phi (PIDA).

Các cơ chế đa phương này cho thấy tính thiết yếu của sự hợp tác và chủ nghĩa đa phương giữa các nước châu Phi nhằm giải phóng tiềm năng của chính lục địa này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục