COVID-19: Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm

Theo chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, chỉ khi hơn 80% dân số được tiêm vaccine, nước này mới có thể thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng một cách hiệu quả.
COVID-19: Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ Khu tự trị Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc ngày 18/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc có thể sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 khoảng 80% dân số vào cuối năm nay, qua đó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Thông tin này đã được chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho biết trong bài phát biểu trực tuyến tại một hội nghị y tế ngày 20/8.

Tại một hội nghị trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm các quốc gia Arab-Trung Quốc lần thứ 5 được tổ chức tại Khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết hiệu quả của các vaccine Trung Quốc vào khoảng 70%.

Chỉ khi hơn 80% dân số Trung Quốc được tiêm vaccine, nước này mới có thể thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng một cách hiệu quả.

Theo ông Chung Nam Sơn, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc có thể đạt hơn 80% dân số trong năm nay.

Chuyên gia Chung Nam Sơn lưu ý nghiên cứu tập trung vào đợt bùng phát dịch COVID-19 ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) vào tháng 5 cho thấy tỷ lệ bảo vệ người tiêm chủng của các vaccine bất hoạt Trung Quốc trước biến thể Delta là gần 60%; 70% đối với các triệu chứng trung bình và 100% đối với các trường hợp nghiêm trọng.

Chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết dữ liệu mới nhất cũng chỉ ra rằng các mức độ kháng thể tăng hơn 10 lần sau khi tiêm liều vaccine thứ ba khoảng 6 tháng sau thời điểm tiêm liều thứ hai của các vaccine bất hoạt do Trung Quốc phát triển.

[Trung Quốc phê chuẩn vaccine của hãng Sinopharm cho trẻ từ 3-17 tuổi]

Trích dẫn một bài báo đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết hiệu quả của vaccine COVID-19 Sinovac ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt 83,5% mà không có bất kỳ báo cáo nào về phản ứng bất lợi nghiêm trọng hoặc tử vong, chứng tỏ khả năng bảo vệ hiệu quả và an toàn của các vaccine do Sinovac cung cấp.

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nói rằng ngay cả khi khả năng bảo vệ của các vaccine được phát triển trong nước chống lại biến thể Delta giảm nhẹ dựa trên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chúng vẫn "rất hiệu quả."

Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng trên toàn cầu, những nghi ngờ về độ hiệu quả kéo dài của các vaccine cũng ngày càng gia tăng.

Chuyên gia Chung Nam Sơn lưu ý, Israel vẫn là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất và đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh số ca mắc COVID-19 mới.

Ông nhấn mạnh những kết quả ban đầu cho thấy tỷ lệ bảo vệ của vaccine Pfizer m-RNA được sử dụng ở Israel đạt 95%, nhưng giảm xuống còn 39% vào nửa năm sau. Điều đó đã chứng minh rằng hiệu quả của vaccine công nghệ mRNA có thể kéo dài nửa năm.

Các ca bệnh được xác nhận ở Mỹ cũng đã tăng trở lại vào tháng Tám. Chuyên gia Chung Nam Sơn ước tính tình trạng này cũng có liên quan đến khả năng bảo vệ của vaccine do hiệu quả bảo vệ sụt giảm sau khi tiêm chủng được 6 tháng.

Chuyên gia Chung Nam Sơn cũng cho biết nhiều quốc gia hiện đang tìm cách tăng cường hiệu quả của các vaccine, bao gồm việc thử nghiệm tiêm liều thứ ba sau 6 tháng sau liều thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục