COVID-19: Trung Quốc tái phong tỏa thành phố giáp ranh với Myanmar

Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 tháng qua thành phố Thụy Lệ phải áp đặt lệnh phong tỏa sau khi phát hiện ca bệnh nhập cảnh từ Myanmar. Theo giới chức y tế, 1 trong 3 ca nhiễm mới ở đây là người Myanmar.
COVID-19: Trung Quốc tái phong tỏa thành phố giáp ranh với Myanmar ảnh 1Xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm ở thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 6/4/2021. (Nguồn: globaltimes.cn)

Thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt sau khi phát hiện 3 ca mắc mới bệnh COVID-19 vào ngày 5/7, nhằm ngăn chặn một đợt bùng phát dịch khác.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 tháng qua thành phố Thụy Lệ, nơi có hơn 210.000 dân, phải áp đặt lệnh phong tỏa sau khi phát hiện ca bệnh nhập cảnh từ Myanmar. Theo giới chức y tế tỉnh Vân Nam, 1 trong 3 ca nhiễm mới là người Myanmar.

Thành phố Thụy Lệ sẽ tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong vòng 2 ngày và cấm toàn bộ hoạt động đi lại không cần thiết cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, chỉ có duy nhất 1 thành viên trong mỗi gia đình được phép ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm hàng ngày trong thời gian tiến hành xét nghiệm. Bất kỳ ai muốn rời khỏi thành phố này đều phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ gần nhất.

Thành phố Thụy Lệ cũng từng tiến hành xét nghiệm toàn bộ người dân và kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng Tư.

Thành phố Thụy Lệ chỉ cách thị trấn Muse của Myanmar một cây cầu. Tình trạng bất ổn leo thang tại thị trấn Muse sau khi Myanmar rơi vào khủng hoảng chính trị từ ngày 1/2 làm tăng quan ngại rằng người dân sẽ tràn qua biên giới để vào Trung Quốc nhằm thoát khỏi bạo lực.

Trung Quốc đã từng đóng cửa cây cầu nối giữa Thụy Lệ và Muse hồi tháng Ba khi số người vượt biên tăng cao. Giới chức Trung Quốc cũng tăng cường tuần tra biên giới trong những tháng gần đây nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép và trấn áp nạn buôn người để ngăn chặn dòng người tị nạn.

[Dịch COVID-19: Trung Quốc chính thức cấm leo núi Everest]

Trong khi đó, ở Australia, chính quyền các bang có thể buộc phải hoãn kế hoạch đón sinh viên quốc tế quay trở lại sau quyết định của Thủ tướng Scott Morrison hôm 3/7 về việc cắt giảm lượng người được nhập cảnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các chuyên gia nhận định việc trì hoãn trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng là một điểm đến ưa thích của sinh viên quốc tế của Australia cũng như nguồn thu của các trường đại học trong nước.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục mới đây cho biết chính phủ liên bang đang thảo luận với tất cả các bang và vùng lãnh thổ về việc đón sinh viên quốc tế quay trở lại “khi điều kiện cho phép.” Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khỏe của người dân trong nước và đưa công dân Australia về nước, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, vẫn là ưu tiên của chính phủ.

Một quan chức thuộc Hiệp hội Giáo dục quốc tế Australia cũng cho rằng quyết định cắt giảm một nửa số lượng người nhập cảnh, bao gồm cả công dân Australia và người nước ngoài, từ ngày 14/7 tới của chính phủ liên bang, sẽ ảnh hưởng đến việc đưa sinh viên quốc tế quay trở lại đây, cho dù chỉ là những nhóm nhỏ.

Vào tháng Sáu vừa qua, kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại bang South Australia đã được chính phủ liên bang chấp thuận. Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiên, bang này sẽ đón 160 sinh viên quốc tế, đưa họ về khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hàng ngày.

Chính quyền bang New South Wales (NSW) cũng đã đưa ra kế hoạch tương tự trong tháng trước nhưng đang bị trì hoãn do sự bùng phát các ca bệnh mới trong cộng đồng tại thành phố Sydney.

Theo kế hoạch của bang NSW, sinh viên quốc tế không phải đối tượng trong quy định giới hạn số lượng người nhập cảnh của chính phủ liên bang, họ sẽ tới Australia trên các chuyến bay thuê bao và hoàn thành việc cách ly tại các địa điểm dành riêng cho đối tượng này.

Tuy nhiên, Giám đốc của công ty tư vấn sinh viên quốc tế Lygon Group, Jeffrey Smart, cho biết kế hoạch của bang NSW “sẽ không sớm được phê duyệt."

Kể từ khi Australia đóng cửa biên giới quốc gia vào tháng Ba năm ngoái, hầu hết các bang và các vùng lãnh thổ Australia đã đề xuất thiết lập “hành lang an toàn” để đưa sinh viên quốc tế quay trở lại nhưng cho đến nay mới chỉ có vùng lãnh thổ Bắc Australia tổ chức thành công việc đón nhận 63 sinh viên quốc tế vào tháng Mười Một năm ngoái.

Khu vực đại học ở Australia dự kiến sẽ mất 3,8 tỷ AUD (3 tỷ USD) doanh thu vào cuối năm 2021, và hàng tỷ AUD khác trong những năm tới do thiếu vắng sinh viên quốc tế. Ước tính, có khoảng 17.300 người đã mất việc làm, và các trường đại học sẽ phải tiếp tục cắt giảm nhân sự trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục