Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù tháng 1 là tháng trùng với Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012 chỉ tăng 1% so với tháng trước và tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2011.
Với mức tăng này, CPI tháng 1/2012 tăng thấp thứ hai so với các tháng đầu năm từ năm 2004 đến nay (sau CPI tháng 1/2009 tăng 0,32%). Đây cũng là mức tăng phản ánh thực tế thắt chặt chi tiêu của đại bộ phận người dân trong bối cảnh kinh tế chung khó khăn.
CPI tháng 1 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,02-1,97%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,01%. Vụ trưởng Vụ Giá Nguyễn Đức Thắng cho biết: CPI tháng 1/2012 chỉ tăng nhẹ là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình (nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng chung và có ảnh hưởng mạnh nhất tới CPI) chỉ tăng 1,01%.
Điều đáng mừng là người dân cả nước ăn Tết không phải chịu sức ép vì tăng giá lương thực và giá thực phẩm tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các Tết âm lịch của nhiều năm nhờ các tỉnh thành chủ động dữ trữ thực phẩm, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường.
Cụ thể, nhóm lương thực đã quay đầu giảm giá 0,14% do tình hình thị trường xuất khẩu gạo không thuận lợi, cạnh tranh về giá với thị trường gạo của Ấn Độ, Pakistan nên giá gạo bán lẻ ở các tỉnh phía Nam giảm mạnh. Tuy nhiên ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, do ảnh hưởng lũ lụt từ các tháng trước và nhu cầu Tết Nguyên đán nên giá lương thực của các tỉnh phía Bắc tăng và tăng mạnh ở mặt hàng gạo tẻ ngon, gạo nếp.
Nhóm thực phẩm tăng 1,41%; trong đó, thịt lợn tăng 0,32%, gia cầm tươi sống tăng 1,71%; thủy hải sản tăng 2,03%; bánh kẹo, đường mật, bơ sữa tăng từ 0,5-3%. Giá rau xanh đã ổn định trở lại do sản lượng đã được bù đắp sau mưa lũ từ tháng trước.
Đứng đầu về mức tăng cao là nhóm may mặc và giầy dép với mức tăng 1,97%. Do thời tiết các tỉnh miền Bắc rét đậm, rét hại cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong mùa cưới và mua sắm dịp cuối năm, giá các mặt hàng may mặc, giầy dép và dịch vụ may mặc tăng mạnh, nhất là đối với các loại quần áo may sẵn. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,71%.
Đây là mức tăng khá mạnh do ảnh hưởng của việc tăng giá nhiều mặt hàng và dịch vụ như: Dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 1,14%; vật liệu xây dựng tăng 0,55%; khí hóa lỏng LPG (gas) tăng 5,57%; điện sinh hoạt tăng 1,56% do giá điện tăng 5% vào tháng 12/2011 cộng với nhu cầu sử dụng tăng lên khi thời tiết trở lạnh. Với nhu cầu tiêu dùng phục vụ Tết tăng cao, giá đồ uống, thuốc lá đã tăng 1,17%. Tiếp theo là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng 1% và các nhóm có mức tăng dưới 1% theo thứ tự từ cao đến thấp gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,96%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,93%; giao thông tăng 0,66%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%.
Tháng 1, giá vàng tiếp tục giảm mạnh tới 3,72% so với tháng 12/2011 do giá vàng thế giới giảm mạnh. Giá vàng 99,99 trong nước xoay quanh mức 4,3 triệu đồng/chỉ; giảm 3,72% so với tháng trước.
Giá USD trên thị trường đã nhích 0,05% do nhu cầu cuối năm tăng nhưng nguồn cung khá dồi dào vì được bù đắp từ lượng kiều hối gửi về cuối năm. Giá USD bình quân trên thị trường tự do ở mức 21.294 VND./.