Cú ''chuyển mình'' ngoạn mục của thương hiệu BlackBerry

Sau khi đánh mất vị thế trên thị trường điện thoại di động, BlackBerry chuyển sang phát triển công nghệ xe tự lái, phần mềm thông tin giải trí, an ninh mạng và gặt hái những thành công đáng kể.
Sản phẩm mới nhất của Blackberry - điện thoại 4G Blackberry Bold 9900 được trưng bày tại cửa hàng ở Los Angeles, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sản phẩm mới nhất của Blackberry - điện thoại 4G Blackberry Bold 9900 được trưng bày tại cửa hàng ở Los Angeles, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cách đây 10 năm khi những chiếc điện thoại sử dụng bàn phím vật lý đang ở trong thời kỳ hoàng kim, BlackBerry là một trong những thương hiệu đỉnh cao với các sản phẩm sử dụng bàn phím QWERTY.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi từ khi Apple tung ra chiếc iPhone thế hệ đầu tiên. Theo sau đó là sự sang trang của thời đại điện thoại thông minh (smartphone) màn hình cảm ứng, khiến BlackBerry dần đánh mất vị thế trên thị trường điện thoại di động và buộc phải nhượng quyền sản xuất cho một công ty khác sau nhiều nỗ lực gượng dậy bất thành.

Quá khứ thăng trầm trên thị trường điện thoại

BlackBerry, trước đó gọi là Research in Motion (RIM), được thành lập vào năm 1984 bởi Mike Lazaridis, khi đó sinh viên ngành kỹ thuật của trường đại học Waterloo, Canada (Ca-na-đa), và Douglas Fregin, sinh viên ngành kỹ thuật của trường đại học Windsor (Canada).

RIM bắt đầu thiết kế những sản phẩm đầu tiên phục vụ hệ thống truyền dữ liệu không dây diện rộng Mobitex vào năm 1988. Những sản phẩm này sau đó được lực lượng quân đội, cảnh sát, cứu hỏa và dịch vụ cứu thương sử dụng.

Năm 1996, RIM giới thiệu Inter@ctive Pager, còn được biết đến với tên gọi RIM 900, là thiết bị di động đầu tiên có bàn phím của RIM. Đây là thiết bị cho phép người dùng nhận và gửi tin nhắn thông qua mạng Internet.

Các năm sau đó, RIM đều đặn tung ra các phiên bản điện thoại nâng cấp hơn, như chức năng gọi hay điện thoại sử dụng màn hình màu…

RIM chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán Toronto (Canada) vào năm 1997.

10 năm sau (năm 2007), thương hiệu này có giá trị lớn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Toronto, với giá trị thị trường vượt 67 tỷ USD.

Cũng trong năm này, số người dùng của RIM đã vượt mốc 10 triệu và lần đầu tiên RIM giới thiệu dòng sản phẩm BlackBerry Curve.

Đây là thời điểm RIM ở đỉnh cao, song cũng là mốc đánh dấu sự xuống dốc của hãng này trên thị trường di động, với việc Apple trình làng phiên bản iPhone đầu tiên.

Cổ phiếu của RIM đã từng ghi nhận mốc cao nhất trong lịch sử, đạt 149,9 USD/cổ phiếu vào năm 2008.

Tuy nhiên, mức "đỉnh" này đã không tồn tại lâu, cổ phiếu sau đó tụt dốc không phanh xuống còn 50 USD/cổ phiếu sau khi hãng ra mắt chiếc smartphone màn hình cảm ứng đầu tiên của mình, BlackBerry Storm, nhưng không đủ sức để cạnh tranh với iPhone của Apple.

Đến năm 2011, RIM thông báo cắt giảm 2.000 nhân viên, một dấu hiệu cho thấy hãng điện thoại Canada đang dần lâm vào khủng hoảng.

Vào tháng 10 cùng năm, các dịch vụ của RIM bị ngưng trệ trong vòng bốn tuần khiến người dùng BlackBerry trên toàn thế giới “khốn đốn” và làm hình ảnh của RIM bị ảnh hưởng không nhỏ.

Đến năm 2013, trong buổi giới thiệu mẫu điện thoại BlackBerry mới, RIM đã tuyên bố chính thức đổi tên thành BlackBerry, tượng trưng cho dòng điện thoại rất phổ biến của họ.

Vốn nổi tiếng với những thiết bị di động được đánh giá cao về khả năng bảo mật và tính ổn định, song sự chậm trễ trong việc nắm bắt xu hướng của làng di động thế giới đã khiến Blackberry “tuột dốc không phanh” để rồi phải chấp nhận “bán mình” với mức giá rẻ chỉ 4,7 tỷ USD.

Chuyển hướng chinh phục thị trường phần mềm xe tự lái

BlackBerry hiện nay không còn là tên tuổi lớn trên thị trường smartphone, nhưng hãng này đã chứng minh sự đúng đắn khi chuyển sang bảo mật và làm phần mềm cho xe tự lái.

Năm 2018, BlackBerry đã báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự đoán của các nhà đầu tư nhờ sức mạnh trong lĩnh vực giải pháp công nghệ.

Giám đốc điều hành của BlackBerry, John Chen, cho biết việc tập trung vào thị trường xe thông minh đã giúp làm tăng doanh thu cho hãng.

Cú ''chuyển mình'' ngoạn mục của thương hiệu BlackBerry ảnh 1BlackBerry chuyển hướng sang phát triển công nghệ xe tự lái cũng như phần mềm thông tin giải trí. (Nguồn: slashgear.com)

Doanh số từ mảng này của Blackberry tăng 23% so với một năm trước đó.

BlackBerry đang phát triển công nghệ xe tự lái cũng như phần mềm thông tin giải trí (bao gồm nhạc, bản đồ…) qua hệ điều hành QNX (hệ điều hành dùng để kết nối xe hơi, tích hợp smartphone với màn hình xe hơi và hệ thống âm thanh).

Không chỉ có vậy, BlackBerry giờ đây còn là “người chơi” lớn trên mặt trận an ninh mạng. BlackBerry đã đồng ý mua lại Cylance, một doanh nghiệp chuyên sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi và ngăn chặn tấn công mạng, với giá 1,4 tỷ USD vào năm 2018.

Ông Chen cho biết việc mua lại Cylance sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho một số bộ phận của ô tô nhờ giúp xe tự lái an toàn hơn trước virus và mã độc.

Mới đây, BlackBerry đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất xe điện Xpeng (Trung Quốc) để phát triển phần mềm cho xe không người lái cấp độ ba.

Nhà sản xuất Xpeng tin rằng thương vụ với BlackBerry sẽ giúp các sản phẩm của họ trở nên cạnh tranh và nâng cao hình ảnh của hãng. Xpeng đang đặt mục tiêu huy động 1,1 tỷ USD trong đợt IPO ở New York.

Trên thị trường hiện nay, Xpeng P7 sedan được giới truyền thông gọi là “sát thủ” của Tesla bởi dòng xe này bề ngoài rất giống với đối thủ cạnh tranh từ Mỹ trong khi các thông số kỹ thuật cũng tương tự.

Tùy thuộc vào cấu hình, xe điện Xpeng P7 có thể cung cấp một nguồn năng lượng dự trữ mà không cần sạc lại từ 550 đến 650 km, công suất động cơ điện dao động từ 196 kW đến 316 kW.

Tesla Model 3 có những đặc điểm tương tự như vậy. Tuy nhiên, phiên bản cơ bản xe điện Mỹ đắt hơn 25% so với Xpeng Trung Quốc.

Trong một thông báo chính thức, BlackBerry cho biết việc cung cấp sản phẩm và phần mềm điều khiển hệ thống thông minh trên Xpeng P7 sedan là một vinh dự lớn đối với hãng.

Xpeng cũng tin rằng BlackBerry sẽ làm cho các sản phẩm của mình trở nên cạnh tranh hơn.

Những tin đồn về việc BlackBerry phá sản đã không còn. Chắc chắn rằng trong tương lai, BlackBerry với mảng kinh doanh bảo mật của mình sẽ còn phát triển hơn nữa.

"Chuyển mình" và thay đổi chiến lược đã giúp BlackBerry lấy lại sự tự tin và có thể tăng trưởng trở lại. Hy vọng rằng BlackBerry sẽ thành công hơn trong những bước đi và chiến lược đầy tham vọng trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục