Muốn được tôn trọng

Cư dân Keangnam: Khiếu nại vì cần được tôn trọng

Những người dân vừa mới về sống tại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Towers đang khiếu nại Keangnam Vina, chủ đầu tư dự án.
Những người dân vừa mới về sống tại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Towers (đường Phạm Hùng, Hà Nội) mới đây đã ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự khiếu nại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Keangnam Vina, chủ đầu tư dự án Keangnam.

Phí cao ngất ngưởng

Theo đơn khiếu nại, Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố. Phí trông ôtô, xe máy được chủ đầu tư áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng mỗi tháng, trong khi đó, quy định phí giữ ôtô và xe máy tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là 875.000 đồng và 45.000 đồng. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư đưa ra lên tới 10.000 đồng, gấp 5 lần quy định của thành phố.

Phí quản lý cũng được chủ đầu tư được gửi đến các cư dân áp tới 0,99 USD (khi thu thì quy đổi ở mức xấp xỉ 21.000 đồng/m2) - mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp tương đương như Vincom B là 14.000 đồng/m2, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng/m2, Khu The Manor Mỹ Đình (Từ Liêm), cùng địa bàn dân cư với Keangnam 8.000 đồng/m2.

Ép nhận căn hộ khi tòa nhà chưa hoàn thiện

Không chỉ đưa ra mức phí cao, theo các cư dân, họ đã bị thúc ép nhận bàn giao nhà chỉ trong 1 tháng (từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4/2011) trong khi tòa nhà vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, nhiều hạng mục dở dang. Đặc biệt, tòa nhà chưa có bàn giao nghiệm thu kỹ thuật với các cơ quan chức năng cũng như các nhà thầu chính-phụ. Chất lượng căn hộ không được như cam kết khi người dân mua, nhiều hạng mục bị thay đổi (lát sàn gạch thay bằng gỗ; công suất điều hòa không đủ cho diện tích).

Keangnam vốn là tòa nhà có nhiều tai tiếng liên quan đến việc ép tiến độ thị công, thiếu an toàn lao động trong xây dựng.

Ngay khi tòa nhà đã được giao cho người dân vào ở, thì cuối tháng Tư vừa qua vẫn có vụ rơi bêtông từ công trình tháp khách sạn của tổ hợp Keangnam vào xe ôtô đậu phía dưới tòa nhà.

Sau đó hơn một tháng, ngày 10/6, hộp trụ cứu hỏa trong lõi tòa nhà chung cư A tầng 27 gặp sự cố dẫn đến nước bị tràn khắp tầng 27 chảy xuống tầng 26 khiến một số tòa nhà phải thay toàn bộ các hệ thống sàn gỗ do nước tràn làm hỏng.

“Một số nơi ngập cao hơn khiến 8 chiếc thang chở khách và 2 tháng máy bị hỏng. Cho đến nay, một số thang máy của tòa nhà vẫn đang trong chế độ chờ sửa chữa,” một cư dân cho biết.

Né tránh, không hồi âm và áp đặt

Ngoài tố về việc thu phí khủng, chất lượng không như cam kết, lo ngại về tính an toàn tòa nhà đến với người sinh sống, cư dân Keangnam còn rất phiền lòng vì cách cư xử trịch thượng, né tránh và thiếu hợp tác của Ban quản lý tòa nhà Keangnam.

Sáng 20/6, anh Tuấn Hải, một cư dân của Keangnam và thành viên trong ban đại diện cư dân bức xúc chia sẻ với Vietnam+ rằng trên một tờ báo mạng, có trích dẫn lời của “đại diện phòng Chăm sóc khách hàng thuộc Ban quản lý tòa nhà Keangnam” nói rằng chưa có cuộc gặp chính thức nào giữa đại diện của cư dân với ban quản lý, Keangnam chưa nhận được bất cứ phản hồi chính thức nào của cư dân. Nếu cư dân muốn gặp thì ban quản lý Keangnam không bao giờ từ chối…”

Anh Hải nói: "Tôi không rõ vị đại diện mà báo nói là ai, nhưng tôi có thể khẳng định tất cả những lời nói trên đều không đúng sự thực. Ban đại diện đã gặp Keangnam không chỉ một lần khi sự cố ngập tầng 26, 27 tòa nhà A xảy ra, cụ thể hôm đó là có ông Ha Jong SuK - Chủ tịch Keangnam-Vina.

“Cái vị “đại diện” nào đó của Keangnam phát biểu giá các dịch vụ trông giữ xe cao là do Keangnam nằm giữa ranh giới của Cầu Giấy và Từ Liêm là quá vô lý. Đây là hai quận của Hà Nội, giáp ranh nhau và cùng chung phạm vi ảnh hưởng của Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009 và Quyết định số 107/2009 QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của Ủy ban Nhân dân Hà Nội về quy định mức phí tối đa trông giữ các phương tiện tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.

Họ không bao giờ trả lời thư khiếu nại và tìm mọi cách để né tránh gặp người dân, anh Tuấn Hải chia sẻ.

Trong đơn gửi Keangnam ngày 2/6 của Ban đại diện cư dân, ngoài những thắc mắc về phí cao, về các vấn đề chất lượng thì yêu cầu đầu tiên đề cập với Keangnam là cư dân cần được giới thiệu về về tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn và quy trình làm việc của công ty quản lý tòa nhà Keangnam (được biết là Chestnut-Vina); cư dân yêu cầu thông báo chính thức về mức phí quản lý, giá điện, nước sinh hoạt, dịch vụ Intrernet, truyền hình; thông báo về trách nhiệm của Chestnut-Vina với người dân và các dịch vụ họ được hưởng nhưng thư không hề có hồi âm.

Rất nhiều đơn thư, yêu cầu giải thích, gặp gỡ, đối thoại xung quanh chất lượng căn hộ cũng như dịch vụ của các cư dân cũng đều rơi vào khoảng không, không được trả lời. Điều này có thể có dẫn chứng ở hàng trăm thư bức xúc của các hộ gửi đến hộp thư chung của cư dân, anh Hải nói thêm.

"Chúng tôi không muốn kiện tụng, chúng tôi bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua một căn hộ (căn hộ Keangnam được bán cũng với giá “khủng” nhất trong khoảng 3.000 USD/m2) chỉ muốn có cuộc sống thoải mái như quảng cáo và với những gì chưa hài lòng, chưa thỏa đáng, chúng tôi chỉ muốn đối thoại. Vấn đề là họ (Keangnam) đã luôn né tránh, không hồi âm và áp đặt, khiến chúng tôi cảm thấy mình bị coi thường, chả khác gì những kẻ ăn nhờ ở đợ ngay trên tài sản của chính mình," anh Hùng, một thành viên ban đại diện chia sẻ.

Được biết, gần 200 cư dân ở chung cư Keangnam, Hà Nội đã ký ủy quyền cho Ban đại diện cư dân, nhờ Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự khiếu nại Công ty Keangnam Vina.

"Tối hậu thư" mà cư dân Keangnam đưa ra cho Công ty Keangnam Vina là 10 ngày kể từ ngày 13/6/2011 (thời điểm cuối cùng là 17 giờ ngày 23/6/2011)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục