'Cú đòn' bất ngờ giáng vào Ngân hàng Trung ương châu Âu

10 tuần sau khi dịch COVID-19 khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng đóng băng, EU gồm 27 nước thành viên vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch phục hồi lớn để đưa châu lục này trở lại đúng hướng.
'Cú đòn' bất ngờ giáng vào Ngân hàng Trung ương châu Âu ảnh 1Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview/AFP, kể từ đầu năm nay, cuộc khủng hoảng viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đã chiếm lĩnh truyền thông đại chúng đến nỗi rất nhiều câu chuyện và diễn biến quan trọng khác đã bị bỏ qua hoặc không được quan tâm đúng mức.

Một ví dụ điển hình là phán quyết rất đáng ngạc nhiên của Tòa án Hiến pháp Đức vào đầu tháng Năm vừa qua, thách thức các hành động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Quyết định này có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu nó được thực thi, nhưng những phản ứng về quyết định đó thậm chí còn gây ra nhiều hậu quả hơn nếu xét đến lập trường của ECB và Liên minh châu Âu (EU) về chủ quyền quốc gia, về việc tôn trọng luật pháp của các quốc gia thành viên và các quyền lực mở rộng của chính họ.

ECB “đã đi quá xa”

Về bản chất, quyết định của tòa án đã nói rõ rằng chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ECB đã không tôn trọng “nguyên tắc tính tỷ lệ”, lạm dụng quyền hạn, trong khi chính phủ Đức đã không thách thức các chính sách của ngân hàng.

Phán quyết này cũng đề cập đến các tác động phụ của chương trình và định hướng chính sách cực kỳ lỏng lẻo của ECB, chẳng hạn như phạt người gửi tiền tiết kiệm và người về hưu.

Phán quyết nêu rõ: “ECB không thực hiện việc cân bằng cần thiết trong mục tiêu chính sách tiền tệ để ngăn chặn các tác động chính sách kinh tế xuất hiện từ chương trình này. Vì thế, nó có vấn đề… vượt quá quyền hạn chính sách tiền tệ của ECB."

Kết quả là tòa án đã đưa ra tối hậu thư và trực tiếp yêu cầu Bundesbank (Ngân hàng liên bang Đức) tuân thủ phán quyết và do đó ngừng mua trái phiếu chính phủ theo chương trình QE của ECB trong 3 tháng tới.

Quyết định này, vô cùng bất ngờ, một lần nữa lại gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sự ổn định của khu vực đồng euro. Nó cũng phơi bày những bất đồng hiện tại không chỉ về chính sách tiền tệ, mà còn về quan điểm pháp lý của ECB, EU và mối quan hệ của họ với các quốc gia thành viên. Những câu hỏi nghiêm túc về chủ quyền, luật pháp quốc gia và vi phạm thể chế một lần nữa được đặt ra, cũng như những thách thức đối với tính hợp pháp của các thể chế và chính quyền trung ương EU.

Với mức độ nghiêm trọng của những thách thức này, đặc biệt là trong thời điểm bất ổn và bất mãn của dân chúng ngày càng tăng, không có gì đáng ngạc nhiên khi những thể chế đó lãng phí thời gian để phản ứng với quyết định của tòa án Đức.

Nhà kinh tế trưởng của ECB, ông Philip Lane, đã phản đối phán quyết của tòa án khi tuyên bố rằng chương trình QE thực sự “phù hợp” với tình hình kinh tế hiện nay, trong khi Chủ tịch Lagarde dường như kiên định với quan điểm rằng ECB “không nản lòng” khi đối mặt với quyết định này.

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng có vẻ “khinh thường” phán quyết này, nhắc lại rằng đó là thẩm quyền tư pháp của khối và chỉ có họ mới có thẩm quyền để quyết định liệu các cơ quan EU có vi phạm luật pháp EU hay không.

Lập trường này thậm chí còn đơn giản hơn khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng “Luật pháp EU có tính ưu việt hơn luật pháp quốc gia."

Những hàm ý quan trọng

Có 2 điểm quan trọng từ thách thức pháp lý này, hay nói chính xác hơn, từ phản ứng đối với nó:

Thứ nhất, nguyên tắc cốt lõi được phản ánh trong phản ứng của ECJ, cụ thể là chỉ có Tòa án châu Âu mới có thể quyết định liệu các thể chế EU có vi phạm luật pháp EU hay không, là thực sự khó để bắt đầu.

Việc thừa nhận rằng các nước thành viên không có ý kiến gì trong vấn đề này là có vấn đề, nhưng ý tưởng tập trung quyền lực và thẩm quyền pháp lý rõ ràng là một sự xúc phạm không chỉ đối với các nguyên tắc công lý phương tây mà còn đối với nhận thức chung.

Bài học thứ hai được phản ánh tốt nhất thông qua một người ủng hộ không chắc chắn của ECB trong cuộc chiến này.

[ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone]

Cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, một người chỉ trích chương trình QE và các chính sách lỏng lẻo của ngân hàng, dường như không hài lòng với phán quyết của tòa án, nhưng vì những lý do rất thú vị và rõ ràng. Như ông nói: “Rất có thể sự tồn tại của đồng euro hiện gây ra nhiều hoài nghi ở các nước thành viên EU, bởi vì mỗi tòa án hiến pháp quốc gia đều có thể tự quyết định. Tình trạng này không làm bất kỳ ai hài lòng."

EU đang chìm vào suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử

Theo AFP, không giống như Mỹ hay Trung Quốc, EU vẫn chưa có kế hoạch khởi động lại nền kinh tế, bị đình trệ bởi sự cãi lộn giữa các quốc gia thành viên.

Để khắc phục điều này, người đứng đầu EC bà Ursula von der Leyen ngày 27/5 tiết lộ một kế hoạch phục hồi chưa từng có mà các quan chức cho biết sẽ bơm vào khoảng 1.000 tỷ euro (1.100 tỷ USD).

10 tuần sau khi dịch COVID-19 khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng đóng băng, EU gồm 27 nước thành viên vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch phục hồi lớn để đưa châu lục này trở lại đúng hướng.

Thay vào đó, các nước thành viên đã dồn tất cả các nỗ lực vào nền kinh tế của họ, chi hàng tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế trong nước và giải quyết tình trạng thất nghiệp. Nhưng phản ứng ở mặt trận trong nước đã phơi bầy sự bất bình đẳng sâu sắc ở khắp châu Âu, nơi một cường quốc như Đức có thể chi tiêu ồ ạt trong khi Italy hay Tay Ban Nha chi không bằng một nửa do mắc nợ lớn…

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây xôn xao dư luận khi bà đề xuất với Pháp một khoản vay chung của EU trị giá 500 tỷ euro để tài trợ cho sự hồi phục của tất cả các nước châu Âu. Đức cho biết khoản tiền này sẽ được trao thông qua các khoản tài trợ, chứ không phải các khoản vay.

Đề xuất mang tính lịch sử này nhanh chóng hứng chịu sự chỉ trích của các quan chức hàng đầu EU. Họ cho rằng bất kỳ sự chi tiêu nào cũng nên được coi là khoản vay, giống như trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, khi các nước tuyệt vọng nhận được những khoản vay với lãi suất thấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục