Cú sốc đối với ngành du lịch Thụy Sỹ trước những biến động tiền tệ

Ngành du lịch Thụy Sĩ đối mặt với "cú sốc" ngay trước mùa cao điểm nghỉ Đông sau quyết định chấm dứt chính sách ấn định tỷ giá tối thiểu 1,2 franc/euro của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB).
Cú sốc đối với ngành du lịch Thụy Sỹ trước những biến động tiền tệ ảnh 1Du lịch Thụy Sĩ bị ảnh hưởng trước biến động tiền tệ. (Nguồn: www.timesofmalta.com)

Ngành du lịch Thụy Sĩ đối mặt với "cú sốc" ngay trước mùa cao điểm nghỉ Đông sau quyết định chấm dứt chính sách ấn định tỷ giá tối thiểu 1,2 franc/euro của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB), gây xáo động trên thị trường tiền tệ toàn cầu với việc giá đồng franc tăng khoảng 20% so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Người đứng đầu ngành du lịch Thụy Sĩ Jürg Schmid nhận xét đây là những ngày tháng quan trọng đối với ngành công nghiệp "không khói." Ngay lập tức, các máy điện thoại ngừng đổ chuông và các vụ giao dịch của khách hàng đặt phòng nghỉ trực tuyến để đi du lịch Thụy Sĩ đột nhiên không còn được thực hiện nữa.

Các khách hàng nước ngoài không còn hứng thú với việc sang Thụy Sĩ, đặc biệt là các du khách Đức và Hà Lan vốn rất nhạy cảm với vấn đề giá cả.

Mặt khác, sự bất ổn tiền tệ cùng với việc đồng franc vẫn ở mức gần tương đương so với đồng euro cũng sẽ khiến các khách du lịch từ Trung Quốc và Đông Nam Á có thể lựa chọn đi thăm các nước châu Âu khác.

Theo ông Schmid, các khách hàng quan trọng nhất bây giờ chính là người Thụy Sĩ. Ông nói: "Chúng tôi đang phải thuyết phục họ ở lại Thụy Sĩ." Chính quyền các bang Thụy Sĩ nhìn chung không hài lòng với quyết định của SNB.

Trong khi đó, Thống đốc SNB Thomas Jordan nói rằng những biến động trên các thị trường tiền tệ toàn cầu sẽ dần dịu lại. Ông Jordan cho rằng đây là quyết định đúng đắn vì hiện đồng franc bị định giá cao hơn giá trị đáng kể so với đồng USD và euro.

SNB đã đưa ra mức lãi suất âm kịp thời để làm dịu đà lên giá quá nóng của đồng franc và không loại trừ khả năng sẽ cân nhắc các biện pháp can thiệp trong tương lai nếu tình hình trở nên mất ổn định.

Quyết định ngày 15/1 của SNB được coi là bất ngờ, mặc dù trong trước đó khoảng ba ngày, cựu cố vấn SNB Ernst Baltenspergernh trong bài trả lời phỏng vấn tờ NZZ am Sonntag đã cảnh báo SNB có thể xem xét thay đổi mức trần tỷ giá hối đoái giữa đồng franc và đồng euro. Theo ông Baltensperger, cần neo giữ tỷ giá đồng franc với một rổ tiền tệ bao gồm cả đồng USD và đồng euro.

Kể từ khi áp đặt mức trần tỷ giá giữa đồng nội tệ của Thụy Sĩ với đồng tiền chung châu Âu từ hồi tháng 9/2011, SNB buộc phải mua vào đồng euro để giữ cho đồng franc ở tỷ giá cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục