Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập

Giải trình trước Quốc hội, ngày 31/10, Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nhấn mạnh tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, phải có chính sách để nâng thu nhập của dân.
Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập ảnh 1Ngư dân chuyển cá ngừ từ tàu đánh bắt lên cảng Bình Châu huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Giải trình trước Quốc hội về những vấn đề vướng mắc và những giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội sáng ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: những kết quả triển khai về tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, nhưng để triển khai có hiệu quả hơn, rõ nét hơn góp phần tăng thu nhập của nông dân phải có sự vào cuộc của các ngành và các địa phương cũng như cần có bổ sung thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện.


Tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được kết quả tích cực

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết về sản xuất của 10 tháng qua, Việt Nam đã có một năm tương đối được mùa, được giá, trừ cao su và cá tra. Xuất khẩu 10 tháng đã đạt trên 25 tỷ USD. Đối với các loại lâm sản, thủy sản tăng 13% so với cùng kỳ năm 2103; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và đến hết ngày 15/10 vừa qua, cả nước đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí.

Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Giải pháp căn cơ cho nông nghiệp đó là triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững theo Quyết định số 899 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tháng 6/2013.

Sau hơn 1 năm để thực hiện chủ trương này, ngoài việc xây dựng kế hoạch tổng thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng và đang quyết liệt triển khai thực hiện 16 đề án trong đó có 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp chế biến lâm sản và thủy lợi cũng như 6 đề án cụ thể hóa các giải pháp thực hiện các chủ trương này. Đó là, tái cơ cấu đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách và pháp luật phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực đổi mới tổ chức sản xuất và đổi mới tăng cường quản lý Nhà nước của ngành.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đó là hỗ trợ chuyển đổi cây trồng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ. Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng Nghị định về Bảo vệ và Phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp-nông dân-nông thôn và Nghị định về Hợp tác xã lâm nghiệp, Nghị định về đổi mới các lâm trường quốc doanh...

Các địa phương cũng đã xây dựng dự án và có kế hoạch để triển khai thực hiện tái cơ cấu; lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên để triển khai và đã có những kết quả cụ thể. Cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển biến; hơn 100.000ha trồng lúa đã được trồng cây màu và cây trồng khác có hiệu qủa hơn. Ngành trồng lúa đã có chất lượng cao hơn, giá lúa đã đạt từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg thay cho từ 5.000 đến 6.000 đồng như trước đây. Hiện đã có hơn 120.000ha lúa được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn...

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Trao đổi với ý kiến của đại biểu Đào Tấn Lộc (đoàn Phú Yên) về sản xuất lúa gạo và phát triển chăn nuôi cần tiếp tục phát huy để nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng nông dân vẫn gắn bó với cây lúa.

Chẳng hạn, ở Nam Định một vụ lúa có thu nhập từ 40-50 triệu đồng, trong khi trồng ngô chỉ thu từ 25-30 triệu đồng. Vì vậy, một mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án thực hiện nâng cao hiệu quả của ngành trồng lúa theo hướng nâng cao chất lượng và giảm gía thành, một mặt tích cực hướng dân nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ngô và cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Ví dụ đối với ngô, Việt Nam đã có giống tốt nhưng vấn đề chính là làm sao triển khai đến nông dân áp dụng kỹ thuật có hiệu quả sản xuất tốt hơn. Chính phủ cũng đã chỉ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi Nghị định 42 về quản lý đất lúa theo hướng tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng linh hoạt hơn và tăng hỗ trợ để nâng cấp cơ sở hạ tầng tầng ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trồng lúa tăng thu nhập cho người trồng lúa thay vì hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.

Đối với phát triển chăn nuôi, mặc dù có những chuyển biến mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp tại trang trại, gia trại nhưng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi còn thấp, khoảng 60% đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam vẫn nuôi ở những hộ chăn nuôi nhỏ. Việt Nam có 8 triệu hộ nuôi gia cầm và 4 triệu hộ nuôi lớn). Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nhất là khi Việt Nam sẽ mở cửa từng bước thị trường đồi hỏi ngành nông nghiệp phải quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi, trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp.

Giải đáp về ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) gợi ý về phát triển đánh bắt trên biển, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, trong năm 2013 và năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản khá cao nhưng tăng trưởng đánh bắt trên biển có chậm hơn so với nuôi trồng.

“Điều đó phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản và về lâu dài chúng ta cần tập trung phát triển nuôi trồng tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân còn khai thác trên biển còn ở mức độ nhất định,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có điều tra tổng trữ lượng hải sản trên biển. Các nhà khoa học xác định tổng trữ lượng các loại tôm, cá, hải sản của Việt Nam khoảng hơn 4 triệu tấn và có thể khai thác bền vững hàng năm khoảng 2 triệu tấn và trong năm 2013 đã khai thác khoảng 2,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, trong cơ cấu đó ở vùng ven bờ chỉ nên khai thác khoảng 1 triệu tấn thì đã khai thác 1,5 triệu tấn. Ở các vùng biển xa khả năng khai thác khoảng từ 1,1-1,3 triệu tấn, mới chỉ khai thác 0,9 triệu tấn.

Về chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tàu thuyền để có thể đánh bắt ở những vùng xa hơn và kiềm chế trong việc gia tăng việc đánh bắt ở vùng ven bờ.

Mặt khác đối với đánh bắt, các đơn vị chức năng tập trung hỗ trợ cho ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt. Chẳng hạn, cải tiến công nghệ trên tàu cá có thể giúp nông dân nâng cao giá trị của hải sản lên khoảng 30%. Thí điểm vừa qua ở Bình Định cho thấy, đối với cá ngừ đại dương, những cải tiến trong đánh bắt có thể nâng cao gía trị khoảng từ 8-10 lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục