Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân

Việc ban hành Luật về hội nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Cù Thị Hậu phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật về hội.

Cho ý kiến về dự án Luật về hội, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, bởi quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này.

Việt Nam đã tham gia Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó đề cập đến quyền tự do hiệp hội của cá nhân.

Tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).

Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật về hội nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội.

Đối với quy định về các tổ chức chính trị-xã hội, quy định của Luật này không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.”

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành quy định này, bởi đây là các tổ chức chính trị-xã hội được quy định trong Hiến pháp, có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách.

Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần t​úy mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Hơn nữa, một số tổ chức chính trị-xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Pháp lệnh cựu chiến binh.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến dự án Luật cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội.

Theo các đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Lê Đình Khanh (Hải Dương), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội.

Bởi vì, mặc dù các tổ chức này có những đặc thù riêng và có cơ cấu tổ chức tương tự các cơ quan Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, nhưng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì không phải là cơ quan Nhà nước.

Việc điều chỉnh đối với các tổ chức này là nhằm thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị-xã hội trong các tổ chức hội; bảo đảm sự công bằng, tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các hội.

Bên cạnh đó, cũng còn có một số tổ chức chính trị-xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị dự án Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến các Hiệp hội. Hiệp hội là tổ chức tập hợp tổ chức của các hội nhỏ, có nội dung hoạt động giống tổ chức hội. Nếu không bổ sung đối tượng này, việc áp dụng trong thực tiễn sẽ khó khăn.

Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về chính sách đối với hội; về công nhận, bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật của hội; về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục