Cử tri Ai Cập bắt đầu bỏ phiếu về hiến pháp mới

Hàng triệu cử tri Ai Cập đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới, nhằm hoàn tất chặng đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị.

Ngày 14/1, hàng triệu cử tri Ai Cập đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới, nhằm hoàn tất chặng đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Cuộc trưng cầu, dự kiến diễn ra trong hai ngày, là cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại đất nước Kim tự tháp thời hậu Morsi.

Diễn ra khá muộn so với lịch trình kéo dài sáu tháng do Tổng thống lâm thời Adly Mansour vạch ra hồi tháng 7/2013, song cuộc bỏ phiếu này cho thấy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập đang đi đúng hướng, bất chấp làn sóng bạo lực leo thang.

Nếu tính từ làn sóng biểu tình rầm rộ lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak cách đây gần ba năm, đây là lần thứ sáu các cử tri Ai Cập tham gia bỏ phiếu, trong đó có ba lần là trưng cầu ý dân về hiến pháp.

Người dân Ai Cập đã tập trung từ sáng sớm 14/1 trong tâm trạng khá hồ hởi trước cửa các địa điểm bỏ phiếu đặt tại các trường học và trung tâm văn hóa cộng đồng. Động thái này thể hiện sự quan tâm của người dân xứ sở Kim tự tháp đến tình hình chính trị trong nước cũng như kỳ vọng rất lớn của họ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng và tình trạng bất ổn an ninh kéo dài suốt ba năm qua.

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC), hơn 52,7 triệu cử tri trong nước trong tổng số 85 triệu dân nước này đã đăng ký đi bỏ phiếu, tăng hơn 1,5 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp được tổ chức hồi tháng 12/2012.

Hơn 30.300 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước sẽ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong hai ngày 14 và 15/1. Trong số đó, khoảng 70 hòm phiếu đặc biệt được bố trí riêng cho các cử tri tạm trú tại thủ đô Cairo và các tỉnh thành khác theo một sắc lệnh mới đây của Tổng thống lâm thời Mansour nhằm gia tăng tỷ lệ đi bỏ phiếu. Ít nhất 14.000 thẩm phán, gần 7.000 quan sát viên của 59 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và bảy tổ chức quốc tế như Liên đoàn Arập (AL) và Liên minh châu Âu (EU) tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu.

Các nhà chức trách Ai Cập đã triển khai một chiến dịch an ninh lớn chưa từng thấy nhằm bảo vệ các địa điểm bỏ phiếu và các cử tri trước nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như các hoạt động biểu tình phá rối của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi.

Ngoài một lượng lớn xe tăng, xe bọc thép và trực thăng, khoảng 160.000 binh sỹ trong đó có cả lính dù và đặc công, chiếm 1/3 lực lượng vũ trang Ai Cập, được huy động trong hai ngày bỏ phiếu.

Ngoài ra, còn có một lực lượng cảnh sát đông đảo với 220.000 người và 500 đơn vị chiến đấu. Trước đó, cảnh sát và quân đội đã tiến hành các cuộc tập trận chung và tuyên bố sẽ không tha thứ cho bất kỳ âm mưu gây nguy hiểm cho các cử tri hoặc "làm xáo trộn vận mệnh đất nước và tương lai của người dân." Quân đội cũng khẳng định sẵn sàng đối mặt với bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào và cho biết sẽ siết chặt các biện pháp an ninh tại các khu vực nhạy cảm như kênh đào Suez.

Hãng thông tấn chính thức MENA ngày 13/1 dẫn lời Tư lệnh Quân khu Trung ương, Đại tướng Tawfik Abdel-Samei cam kết đảm bảo an ninh vòng ngoài và bí mật triển khai các tay súng bắn tỉa trên nóc các tòa nhà xung quanh các địa điểm bỏ phiếu nhằm ngăn chặn tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong suốt thời gian diễn ra trưng cầu ý dân.

Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim tuyên bố bất kỳ âm mưu nào nhằm phá hoại cuộc trưng cầu ý dân sẽ bị đáp trả mạnh mẽ.

Nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của những tay súng Hồi giáo, lực lượng an ninh đã được bố trí tại các sân bay trên khắp cả nước để di chuyển đến các địa điểm xảy ra sự cố trong thời gian ngắn nhất. Cảnh sát và quân đội còn có kế hoạch phong tỏa và cô lập các tỉnh thành xảy ra các vụ bạo loạn nghiêm trọng. Ngoài ra, các máy bay quân sự cũng sẽ được sử dụng để theo dõi các tuyến đường sa mạc ít người qua lại.

Theo các nhà quan sát, bất chấp sự tẩy chay và chiến dịch vận động bỏ phiếu chống của phong trào Anh em Hồi giáo, các lực lượng đồng minh và một số phong trào thanh niên cách mạng, hiến pháp mới của Ai Cập nhiều khả năng sẽ được thông qua với đa số phiếu.

Nếu tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với cuộc trưng cầu ý dân trước đó, đây sẽ là chiến thắng hết sức quan trọng của Chính phủ lâm thời Ai Cập được quân đội hậu thuẫn và có ý nghĩa quyết định đối với hai bước tiếp theo trong lộ trình chuyển tiếp ở Ai Cập - đó là cuộc bầu cử tổng thống và cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào giữa năm nay.

Đây cũng được xem là phép thử mức độ ủng hộ nỗ lực trở thành tổng thống tiềm năng của Tư lệnh Quân đội Ai Cập, Tướng Abdel Fattah Al-Sisi, người đứng đầu chiến dịch lật đổ ông Morsi.

Chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, một quả bom nhằm vào một tòa án ở thủ đô Cairo đã phát nổ, phá hủy mặt tiền của trụ sở tòa án nhưng không gây thương vong. Đây là vụ đánh bom mới nhất trong một loạt vụ tấn công kiểu này kể từ khi quân đội lật đổ ông Morsi gần bảy tháng trước, cho thấy sự phân rẽ vẫn tiếp tục sau khi ông Morsi bị phế truất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục