Cử tri Armenia ủng hộ cải cách hiến pháp thay đổi chế độ

Có 66,06% số cử tri tham gia bỏ phiếu và 34,28% số cử tri của cả nước ủng hộ dự thảo cải cách hiến pháp đưa Armenia từ chế độ cộng hòa tổng thống sang cộng hòa nghị viện.
Cử tri Armenia ủng hộ cải cách hiến pháp thay đổi chế độ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thư ký Ủy ban trung ương tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Armenia Armen Smbatyan cho biết tính đến sáng 7/12, Ủy ban đã hoàn tất việc kiểm phiếu sơ bộ tại 1.482 trong số 1.997 khu vực bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, diễn ra ngày 6/12.

Theo kết quả sơ bộ, có 66,06% số cử tri tham gia bỏ phiếu và 34,28% số cử tri của cả nước ủng hộ dự thảo cải cách hiến pháp đưa Armenia từ chế độ cộng hòa tổng thống sang cộng hòa nghị viện.

Như vậy, theo đạo luật "Về trưng cầu dân ý," dự thảo luật sửa đổi hiến pháp Armenia có thể được coi là đã được thông qua.

Đạo luật "Về trưng cầu dân ý" quy định dự thảo luật đưa ra trưng cầu được xem là được thông qua nếu hơn một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu và ít nhất 1/4 số cử tri của cả nước ủng hộ. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu là 50,51%.

Ngày 5/10, Quốc hội Armenia với đa số phiếu đã thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp do ủy ban chuyên trách soạn thảo, theo đó chuyển sang hình thức nhà nước do nghị viện điều hành.

Theo cải cách hiến pháp này, quyền hạn của tổng thống giảm đáng kể, và cương vị này sẽ không được bầu theo nhiệm kỳ năm năm như hiện nay mà theo nhiệm kỳ bảy năm, và không tiến hành bầu cử trực tiếp, mà do các nghị sỹ quốc hội, đại biểu dân cử của chính quyền địa phương bầu chọn.

Tổng thống Armenia không được phép là thành viên bất kỳ đảng phái chính trị nào và không thể tái nhiệm.

Cơ quan hành pháp cao nhất sẽ là chính phủ, nơi soạn thảo và thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại.

Ngoài ra, chính phủ thực hiện quản lý tổng thể hệ thống quản lý nhà nước.

Tổng thống có quyền bổ nhiệm ứng viên thủ tướng của một đảng hay khối chính trị chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.

Nếu các lực lượng trong quốc hội không thể thành lập chính phủ, quốc hội sẽ bị giải thể và tiến hành bầu cử sớm.

Tổng tư lệnh trong giai đoạn chiến tranh là thủ tướng. Cũng theo gói cải cách này, quốc hội sẽ được bầu theo nhiệm kỳ năm năm, với 101 thành viên (hiện nay là 131).

Nếu kết quả bầu cử quốc hội không hình thành một đa số ổn định, sẽ tổ chức bầu cử vòng hai với sự tham gia của hai đảng nhận được số phiếu bầu tối đa trong vòng một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục