Cử tri cả nước góp nhiều ý kiến bảo vệ môi trường

Thảo luận của QH về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Ngày 7/11, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Cử tri Lê Hồng Khanh - Giám đốc Ban Quản lý Bến, Cảng cá tỉnh Kiên Giang nêu thực trạng về ô nhiễm môi trường chưa có lối thoát: Bến, Cảng cá Kiên Giang đưa vào hoạt động tháng 12/2003 tại xã Bình An, huyện Châu Thành, với diện tích 32 ha, trong đó bến, cảng cá là 7,5 ha; có 33 doanh nghiệp kinh doanh, trong đó 19 doanh nghiệp chuyên chế biến hải sản.

Thời gian qua, tỉnh mới tập trung kêu gọi đầu tư, còn công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm thỏa đáng. Vì vậy, hiện nay chỉ có bến, cảng cá thuộc Ban Quản lý là có xây dựng hệ thống xả thải 400m3 ngày/đêm; khoảng 2-3 doanh nghiệp khác đang xây dựng, các doanh nghiệp còn lại xả thẳng qua hệ thống nước mưa, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang đến kiểm tra theo sự phản ánh của người dân, vì nơi đây là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đoàn đã kiến nghị có biện pháp khắc phục triệt để và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định xử phạt 11 doanh nghiệp với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hồng Khanh, do không có chức năng kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bến, cảng cá mình quản lý, nên Ban quản lý có nhắc nhở cũng vô hiệu. Để bến, cảng cá của tỉnh Kiên Giang tránh tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, trước hết về phía tỉnh ngoài việc xử phạt nghiêm, có biện pháp mạnh để buộc các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xả thải; đồng thời đề xuất lên Bộ Tài nguyên-Môi trường cần có những chế tài mạnh tay hơn để doanh nghiệp không lơ là, cố tình gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thạc sĩ Đoàn Hữu Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên-Môi trường) tỉnh Kiên Giang thì thắc mắc: Nghị định 21/2008/NĐ-CP quy định “Chủ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trước ngày 1/7/2006 mà không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thì phải lập đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều này phê duyệt hoặc xác nhận trước ngày 30/6/2008.”

Nhưng đến ngày 18/9/2008, Bộ Tài nguyên-Môi trường mới ban hành Thông tư 04/TT/2008/TT-BTNMT (sau ngày 30/6/2008 - thời hạn phải lập đề án bảo vệ môi trường). Và Thông tư này lại quy định “Thời hạn hoàn thành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường chậm nhất là ngày 31/12/2009.” Qua thời hạn 31/9/2009, vẫn còn nhiều cơ sở đang hoạt động mà không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường - đối tượng phải làm đề án bảo vệ môi trường thì không thể làm đề án bảo vệ môi trường.

Ngày 18/4/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2011/NĐ-CP Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Tại Điều 39 Nghị định 29/2011/NĐ-CP cũng quy định thời hạn 2 năm để các cơ sở hoạt động trước ngày 5/6/2011 mà chưa có quyết định phê duyệt hoặc giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường lập đề án chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản; và quy định Bộ Tài nguyên-Môi trường quy định chi tiết việc này.

Đến nay, Bộ Tài nguyên-Môi trường vẫn chưa ban hành thông tư. Việc chậm trễ như vậy làm cho công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở phải làm thủ tục cho đúng quy định; đồng thời cũng gây phiền hà cho nhân dân. Hơn nữa, việc quy định một thời hạn nhất định để yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoàn thành thủ tục lập đề án bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục tạo thêm vướng mắc khi hết thời hạn quy định.

Việc tăng cường nguồn vốn xây dựng cơ bản để đầu tư cho các công trình môi trường đang là vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh Kiên Giang như: bãi chôn lấp hợp vệ sinh của các huyện; hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị; tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường.

Để khuyến khích các dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy định về chính sách ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ môi trường (theo khoản 5, điều 117, Luật bảo vệ môi trường); qua đó ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, từng bước thay đổi hành vi gây ô nhiễm của các tổ chức và cá nhân theo hướng có lợi cho môi trường; sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm.

Kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường trình Chính phủ ban hành Nghị định nâng cao phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; ban hành hướng dẫn về việc phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế; kiến nghị Chính phủ xem xét và bỏ quy định thời hạn 2 năm đã được quy định tại Điều 39 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP; kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục lập Đề án bảo vệ môi trường để công tác quản lý Nhà nước về môi trường đi vào nền nếp, giảm bớt phiền hà cho dân.

Cử tri Quảng Ngãi đã quan tâm theo dõi phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội, có ý kiến phản ánh, đóng góp và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề. Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, trong đó đặc biệt chú trọng về vấn đề môi trường.

Thời gian qua, tại khu kinh tế Dung Quất bước đầu được đầu tư tương đối đồng bộ việc xử lý môi trường. Tuy nhiên tại 2 khu công nghiệp của tỉnh, việc này quá yếu kém dẫn đến gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng về nguồn nước thải, chất thải rắn không được xử lý triệt để.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư về việc xử lý môi trường, đưa thành Chương trình mục tiêu quốc gia; Từ Trung ương đến địa phương cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật qui định về bảo vệ môi trường, từ đó có lộ trình điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế mang tính khả thi, tránh chồng chéo giữa các cơ quan chức năng; kiểm tra, đánh giá từng khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh gây ô nghiễm môi trường để có biện pháp khắc phục kịp thời, kết quả kiểm tra và việc xử lý đơn vị vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung ương cần tăng cường cho lực lượng cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường, nhất là tăng cường về con người và đầu tư về vật chất, trang thiết bị hiện đại, xử lý kịp thời các cơ sở, đơn vị gây ô nhiễm môi trường theo pháp luật.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Tân, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay Luật bảo vệ môi trường và Nghị định của Chính phủ đã có nhưng trong quá trình triển khai còn những vướng mắc, gây ách tắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở, đơn vị vi phạm về ô nhiễm môi trường. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh nói chung, công tác quản lý về môi trường được ví như đứng ngoài hàng rào các khu kinh tế, vì trong khu kinh tế có Phòng quy hoạch bảo vệ môi trường, Phòng này kiểm tra nhưng không được xử lý, muốn xử lý phải gửi kiến nghị lên Sở. Việc xã hội hóa về bảo vệ môi trường hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư, vốn vay ngân hàng để triển khai thực hiện xã hội hóa không thể thực hiện được. Việc này cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới có thể thực hiện được. Đối với quản lý về môi trường cần bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo giữa các đơn vị.

Ông Nguyễn Quang Hoài, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường, Khu Kinh tế Hải Phòng cho rằng, trong những ý kiến phát biểu chiều 7/11, một số đại biểu đề cập đến việc nhiều cán bộ phụ trách về môi trường cấp xã không có trình độ chuyên môn về môi trường. Tình trạng này cũng gặp ở các khu công nghiệp. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều chưa bố trí cán bộ có chuyên môn phụ trách về công tác bảo vệ môi trường.

Những người được bố trí đều là cán bộ kiêm nhiệm, không có chuyên môn về lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp chưa cao, chỉ mang tính chất đối phó khi có các cơ quan chức năng thanh tra. Vì thế, để thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, ông kiến nghị với Quốc hội 2 nội dung.

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao trình độ cho các cán bộ làm việc về lĩnh vực môi trường tại các khu kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tham gia các buổi tập huấn, các lớp đào tạo về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; được cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ môi trường. Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chế tài xử phạt đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có nhà máy xử lý nước thải sau thời hạn ngày 31/12/2010 theo yêu cầu của thông tư 08/2009 của Bộ Tài nguyên Môi trường để các khu kinh tế có căn cứ xử phạt các cơ sở vi phạm.

Ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Tuy nhiên, để việc thực thi chính sách về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề hiệu quả hơn, ông kiến nghị với Quốc hội cần có chính sách phân cấp thẩm quyền quản lý cho phòng quản lý tài nguyên môi trường cấp huyện.

Hiện nay, từ việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi trường, kiểm tra, quản lý doanh nghiệp, xử lý vi phạm, quan trắc môi trường… đều thuộc thẩm quyền cấp thành phố. Phòng tài nguyên môi trường cấp huyện không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt hoặc giải quyết các vấn đề về môi trường tại cơ sở, vì thế tính kịp thời trong xử lý các vi phạm không đáp ứng được. Chẳng hạn, khi cấp Phòng phát hiện có vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nếu được kiểm tra, lập biên bản thì hiệu quả quản lý sẽ khác. Nhưng tất cả các việc này cấp phòng đều phải báo cáo về thành phố. Đến khi cấp có thẩm quyền của thành phố xuống thì hoạt động gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp (nhả khói, xả nước thải) đã tạm dừng. Như vậy, đoàn kiểm tra sẽ không có căn cứ để xử phạt.

Chị Ngô Thanh Hà, xóm 4, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết, riêng làng nghề bún Phú Đô đang có nhiều vấn đề nan giải về môi trường. So với 5-6 năm trước, môi trường làng nghề bún Phú Đô đã có cải thiện: đường làng ngõ xóm sạch sẽ, nhiều gia đình làm bún thủ công chuyển sang làm bằng máy móc, dùng nước máy để sản xuất.

Tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn, môi trường tại đây vẫn còn phải đầu tư cải tạo nhiều mới đảm bảo. Riêng nguồn nước thải làm bún của các hộ dân vẫn xả thẳng trực tiếp xuống hệ thống thoát nước của thôn, gây ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí. Trong nhiều năm qua, hầu như chưa thấy cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất hay có những dự án tổng thể xử lý chung cho toàn thôn.

Để cải thiện môi trường làng nghề bún Phú Đô, chính quyền xã và huyện cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn đến làng nghề. Trước mắt, cán bộ lãnh đạo cần thay đổi nhận thức, coi việc bảo vệ môi trường là quan trọng và cấp bách, để từ đó xây dựng những giải pháp xử lý và bảo vệ hiệu quả. Đó không chỉ là vấn đề cần thiết đối với riêng làng nghề bún Phú Đô mà cho tất cả các làng nghề trên cả nước nói chung khi đang chịu áp lực về ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục