Cử tri góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Theo dõi phiên thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 17/6, cử tri cả nước đã có nhiều ý kiến tâm huyết về dự thảo luật này.
Theo dõi phiên thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sáng 17/6, cử tri cả nước đã có nhiều ý kiến tâm huyết về Dự thảo luật này.

Phóng viên TTXVN ghi lại một số ý kiến của cử tri về vấn này tại Lâm Đồng, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Không bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã


Dưới góc độ người làm công tác quản lý về đất đai, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng theo Điều 35 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Tuy nhiên, xét thấy việc quản lý, sử dụng đất được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã được xây dựng chi tiết đến từng thửa đất. Nếu bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã sẽ khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cũng như việc giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp.

Cử tri đề nghị vẫn giữ nguyên hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện vì đây chỉ là cấp trung gian, không mang tính tổng thể hay mang tính chi tiết nên không cần thiết.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, ở Điều 57 và Điều 65 về thẩm quyền thu hồi đất và giao đất, nên giữ nguyên thẩm quyền theo quy định trong Luật Đất đai 2003, vì việc quy định thẩm quyền riêng đối với “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân” như dự thảo là không phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003 (quy định tại khoản 3-Điều 83 và khoản 3-Điều 98: Quyết định việc giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, giải quyết các tranh chấp đất đai do Ủy ban Nhân dân huyện và Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định). Đồng thời nếu quy định như dự thảo sẽ gây ách tắc về tiến độ giải quyết hồ sơ theo quy định cải cách hành chính (do không được ủy quyền) trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đau ốm, công tác ngoài tỉnh, nước ngoài...

Một số trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thì người dân mất nhiều thời gian thực hiện giao dịch do phải đi đến các trung tâm tỉnh lỵ (thay vì đi đến trung tâm huyện lỵ như hiện nay).

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Thẩm phán Hoàng Minh Tuấn (quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) cho rằng Dự thảo đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về vấn đề đất đai; quy định cụ thể quyền hạn của Nhà nước, chế độ quản lý sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Dự thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhận xét Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn còn một số điều khoản chung chung, chưa cụ thể, sẽ dẫn đến việc thực thi công việc tại các địa phương kém hiệu quả. Cụ thể, tại Mục 1 Chương 6, Mục 2 Chương 6, cần phải làm rõ hơn về cơ chế thu hồi đất, cơ sở pháp lý cho việc định giá, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm dân chủ, minh bạch, công khai, có sự tham gia trực tiếp của nhân dân và phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân.

Thực tế ở Hải Phòng thời gian qua, hệ lụy của những vụ việc cấp, giao đất, tranh chấp đất, bồi thường chưa thỏa đáng là những cuộc xô xát trong dân, là sự tổn thương, mất lòng tin giữa dân với chính quyền. Mặc dù thành phố Hải Phòng đã nỗ lực trong việc xử lý, giải quyết những vụ việc này, nhưng dường như kết quả chưa được như mong đợi. Bức xúc của người dân vẫn còn, tranh chấp, khiếu kiện vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết...

Từ những bất cập trong thực tiễn, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Quốc hội nên xem xét bổ sung quy định cụ thể, rõ hơn các thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch sử dụng đất, giá trị đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Cùng chung quan điểm với thẩm phán Hoàng Minh Tuấn, ông Nguyễn Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Lê Chân cho biết dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi đất mới chỉ liệt kê về mục đích, lý do thu hồi đất, chưa quan tâm đến khía cạnh việc thu hồi đất đó có thực sự cần thiết hay không. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh việc thu hồi đất đối với các dự án không sử dụng hết, sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang phí.

Cử tri đề nghị Quốc hội cần rà soát kỹ và có quy định chặt chẽ hơn đối với các trường hợp thu hồi đất; quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch và người dân có quyền có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất liên quan đến quyền sử dụng đất của mình; cần có các quy định bảo vệ nhân dân nhiều hơn trong dự thảo Luật thì mới đảm bảo công bằng, khách quan.

Cần quy định chặt chẽ việc thu hồi, đền bù đất đai


Ông Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ hưu trí cấp cao, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho rằng ý kiến các đại biểu phát biểu tại hội trường đã mạnh dạn nêu lên những mặt được và chưa được khi Dự thảo Luật Đất đai đã được chỉnh sửa. Những vấn đề nêu lên rất phù hợp với nguyện vọng của người dân và đa số ý kiến tập trung vào vấn đề sở hữu đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; nguyên tắc sử dụng đất...

Cụ thể ở Điều 4, Chương I về nguyên tắc sử dụng đất, cần bổ sung “Nhà nước và mỗi người dân đều có nghĩa vụ tối cao là bảo vệ đất đai của Tổ quốc.”

Chương 2 “Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai,” Điều 12, Mục 2 ghi “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai...” cần bổ sung “Nhà nước có quan điểm và chiến lược bảo vệ đất đai của Tổ quốc. Mỗi người dân phải thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm và chiến lược đó.”

Điều 25 “Những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất”, ở Mục 3 cần làm rõ khái niệm “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” và xác định cấp nào có thẩm quyền quyết định về các mục này.

Chương 3 “Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai”, ở Điều 28, Mục 3 cần bổ sung: “Chính phủ có trách nhiệm xác định biên giới quốc gia với các nước láng giềng liên quan để bảo vệ đất đai và lãnh thổ Tổ quốc.” Tại khoản 1, Điều 15, ghi “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội” dùng từ “thu hồi” là không hợp lý.

Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, “từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa xác định định nghĩa hay phương pháp tính giá đất theo giá thị trường.” Thu hồi đất trong trường hợp người được giao đất, cho thuê đất sử dụng không đúng mục đích; chậm trễ trong đầu tư xây dựng là thiếu tính khả thi, áp đặt.

Càng khó khả thi hơn khi thu hồi các dự án chậm triển khai thì không đền bù giá trị đầu tư, tiền chuyển quyền sử dụng đất... làm trì trệ trong đầu tư phát triển, cản trở việc thu hút đầu tư. Luật quy định thời gian thu hồi đất nhưng không quy định thời gian giao đất, bố trí đất tái định cư. Thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư cũng rất chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ, quy định về hỗ trợ có nội dung “hỗ trợ khác” vậy hỗ trợ gì ở đây, sẽ dẫn đến cơ chế xin-cho, gây ra nhóm lợi ích, tạo kẽ hở, người được giao nhiệm vụ có thể đưa ra các quyết định cảm tính, cá nhân qua các mối quan hệ bên ngoài nhiệm vụ. “Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, định giá đất... phải thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi thật sự cho người dân, cho nhà đầu tư và nhà nước”...

Thạc sỹ Trần Cao Anh, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III có ý kiến, với Điều 58, quy định về một nội dung đang rất “nóng” hiện nay - vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, khoản 1 nên nhấn mạnh quan điểm đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch. Khoản 3 nên sửa quy định để Nhà nước chỉ có quyền thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng, có bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định, tối thiểu phải bảo đảm ổn định đời sống người dân về lâu dài không thấp hơn trước khi bị thu hồi.

Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại thì bên tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với công dân và giá bồi thường như thế nào do hai bên thống nhất.

Trong trường hợp bình thường, thạc sỹ Trần Cao Anh góp ý nên bỏ từ “thu hồi đất” và “cưỡng chế thu hồi đất” bởi việc này chỉ phù hợp khi Nhà nước giải quyết hành vi lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hay vượt quá hạn mức... Cũng về điều luật này, thạc sỹ kiến nghị sửa đổi mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân. Cụ thể, cần làm rõ, sửa đổi mối quan hệ này trong việc thu hồi đất “để giao đất, cho thuê theo hình thức chỉ định chủ đầu tư.” Trong tình huống đó, nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt. Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch hoành tráng, hiện đại... nhưng họ phải tạo lập trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình.

Theo thạc sỹ, trong tình huống Nhà nước thu hồi đất của dân để cho chủ đầu tư sử dụng, thì Nhà nước phải bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, không được dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này. Chỉ khi nào đa số (có thể quy định là 95%) người dân đồng ý giao đất một cách tự nguyện thì mới bắt đầu thu hồi, cưỡng chế đất.../.

Liên Sơn-Minh Huệ-Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục