Cử tri Mỹ sẵn sàng quay lưng với đảng Dân chủ

Các cử tri Mỹ đang trong tâm trạng chán nản và tức giận đã sẵn sàng quay lưng với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ.
Các cử tri Mỹ đang trong tâm trạng chán nản và tức giận đã sẵn sàng quay lưng với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ và thống đốc bang diễn ra trong ngày 2/11.

Các cuộc thăm dò ngay trước khi phòng bỏ phiếu mở cửa đều báo trước đảng của Tổng thống Barack Obama sẽ nhận "một đòn đau," với việc bà Nancy Pelosi hầu như chắc chắn phải rời ghế Chủ tịch Hạ viện, và thậm chí đảng này có nguy cơ mất nốt quyền kiểm soát ở cả Thượng viện.

Chỉ hai năm sau ngày ông Obama bước chân vào Nhà Trắng với cam kết tạo ra sự hy vọng và thay đổi, các cử tri Mỹ đã phải thất vọng trước tình hình kinh tế ảm đạm và đây có thể là lý do chủ yếu giúp đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Quốc hội từ tay đảng Dân chủ.

Vài giờ trước khi bắt đầu cuộc bầu cử, cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa tiếp tục vận động các cử tri của họ bỏ phiếu cho đảng mình, đặc biệt là tại các bang tranh chấp chưa ngã ngũ như Pennsylvania, Nevada, Illinois, Colorado và Washington.

Chủ tịch đảng Cộng hòa Michael Steele tuyên bố ông "hy vọng vào một bước khởi đầu mới cho người dân Mỹ."

Một chiến thắng lớn của đảng Cộng hòa sẽ cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Obama và mở ra giai đoạn giằng co trong tiến trình lập pháp.

Chắc chắn sẽ có những thay đổi trên hàng ghế lãnh đạo Quốc hội sau ngày 2/11 này. Nếu đảng Cộng hòa giành ít nhất 39 ghế cần thiết để kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế, Hạ nghị sĩ John Boehner sẽ thay bà Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện.

Ngay cả khi đảng Con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) không giành được 10 ghế mà đảng Dân chủ đang kiểm soát để chiếm đa số tại Thượng viện, đảng Con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ) có lẽ cũng cần một nhà lãnh đạo mới tại cơ quan lập pháp này.

Thượng nghị sỹ Harry Reid đang phải đối mặt với những thách thức gay go từ đối thủ Sharron Angle trong cuộc đua tại bang Nevada. Bà Angle là ứng cử viên được ưa thích nhất của "Hội Trà" (Tea Party) - một phong trào chính trị mới nổi lên trên chính trường nước Mỹ và có xu hướng thân đảng Cộng hòa.

Bên cạnh cuộc bầu cử Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa theo thăm dò dư luận có thể giành từ 45-70 ghế, vượt mức cần thiết để kiểm soát Hạ viện, đảng này dự kiến cũng sẽ giành đa số trong cuộc đua quan trọng vào 37 ghế thống đốc bang, tạo lợi thế cho họ trong việc quy hoạch lại các khu vực bầu cử (được thực hiện 10 năm một lần) vào năm tới.

Lịch sử đang đứng về phía những người Cộng hòa. Theo truyền thống, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống thường gây khó khăn cho đảng nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng.

Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama bị tụt xuống chỉ còn khoảng 40% hoặc hơn một chút, tương đương với mức ủng hộ Tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton khi đảng Dân chủ mất tới 54 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 1994.

Theo thăm dò của Viện Gallup, phe Cộng hòa nhận được sự ủng hộ của 55% số cử tri nhiều khả năng đi bỏ phiếu so với chỉ 40% giành cho đảng Dân chủ. Đây cũng là khoảng cách lớn nhất nghiêng về phía đảng Cộng hòa kể từ năm 1974.

Trong bầu không khí khát khao thay đổi ở Washington, những nỗ lực vào giờ phút chót nhằm ngăn cản cử tri Mỹ trừng phạt đảng Dân chủ cầm quyền dường như đã quá muộn, có chăng chỉ có thể giúp đảng này tránh nguy cơ rơi vào rối loạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục