Cử tri quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội

Cử tri quan tâm đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu.
Sáng 31/10, phiên thảo luận tại hội trường của các vị đại biểu Quốc hội được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, tiếp tục được đông đảo cử tri cả nước quan tâm theo dõi.

Phóng viên TTXVN tại các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa và thành phố Cần Thơ đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của cử tri.

Tại Nghệ An, ông Vũ Văn Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc nêu ý kiến Đảng, Nhà nước đang có nhiều chính sách quan tâm tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình nông thôn mới là một trong những chủ trương quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Để chương trình này đi vào chiều sâu, có hiệu quả thực sự, ngoài nỗ lực của người dân, của chính quyền địa phương, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các nguồn lực khác, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở cả về nguồn vốn và thủ tục hành chính.

[Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2013]

Hiện nay, một số nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chậm được giải ngân, bố trí hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu cho xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch được duyệt.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong cho rằng Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến phát triển doanh nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, để doanh nghiệp phát triển tốt là việc không đơn giản, cần sự vào cuộc, nỗ lực không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Việc giải quyết công ăn, việc làm cho lao động; gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân nông thôn cần được khuyến khích, tạo điều kiện.

Đơn cử như tại Nghệ An có một số làng nghề mây tre đan nổi tiếng nhưng đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, về đầu ra sản phẩm và những khó khăn khác. Doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để ổn định nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu sản xuất nhưng lại thiếu vốn, cơ chế huy động vốn gặp nhiều vướng mắc. Một số làng nghề nằm gần trung tâm các điểm du lịch nên cần xem xét gắn kết việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch, đưa du lịch vào làng nghề. Các làng nghề mây tre đan có thể làm được điều đó. Chính phủ nên khuyến khích và ban hành các cơ chế đủ mạnh nhằm giúp các làng nghề trong vấn đề này; đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tại thành phố Cần Thơ, cử tri Nguyễn Hiền Tịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Đông Nam (khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết, cử tri rất quan tâm theo dõi kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII và đánh giá cao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp.

Cử tri tin tưởng trong thời gian tới, với việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... sẽ giúp cho nền kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước tiếp tục ổn định và phát bền vững.

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, thưc tế hiện nay các doanh nghiệp thủy sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Đặc biệt, vấn đề thiếu vốn sản xuất và lãi suất cao là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp... Trước mắt, nhằm giúp doanh nghiệp thủy sản giải bài toán “đói” vốn sản xuất và lãi suất cao, cử tri kiến nghị ngân hàng cần khoanh lại vốn vay cũ của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay mới để tái sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tính toán hạ các chi phí khác trong sản xuất, nhằm tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu.

Theo dõi phiên thảo luận về kinh tế-xã hội sáng nay, trước đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng từ mức 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng vào năm 2013 của Chính phủ, luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân, trưởng Văn phòng luật sư Thanh Tân (Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ) tin tưởng, đây sẽ là tin vui cho khoảng 8,3 triệu người lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách... trong cả nước.

Thực tế, hiện nay với những người sống chủ yếu bằng tiền lương, khi giá cả tăng (trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước), nhưng tiền lương không theo kịp, sẽ khiến cuộc sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn.

Luật sư kiến nghị việc tăng lương cho người lao động là vấn đề cấp bách nên Chính phủ cần ưu tiên giải quyết, để cải thiện đời sống cho người lao động, ổn định kinh tế, xã hội đất nước.

Luật sư cho rằng, nếu ngân sách nhà nước đang gặp khó trong việc tăng lương, Chính phủ cần quyết liệt, triệt để hơn trong cắt giảm các đầu tư công chưa cần thiết, kém hiệu quả… để đủ khả năng thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.

["Giải quyết nợ xấu, mạch máu kinh tế mới lưu thông"]

Tại Khánh Hòa, cử tri Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng muốn tái cơ cấu nền kinh tế, trước hết Chính phủ nên tái cấu trúc lại các tập đoàn kinh tế nhà nước. Vì các tập đoàn này đầu tư vốn vào các lĩnh vực ngoài ngành nhiều quá, gây thất thoát vốn, kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, Chính phủ nên quan tâm bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm ở các địa phương.

Tại Khánh Hòa, Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động từ năm 2006, với mục tiêu trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đến nay tại đây số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp đã lên đến hơn 10 tỷ USD và tiềm năng hiện vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, khu kinh tế vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nguồn vốn của trung ương được bố trí cho khu kinh tế còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến mặc dù chín tháng đầu năm nay cả nước đã giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 20/9, đã có 40.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động, đồng nghĩa với hàng vạn công nhân mất, thiếu việc làm, trong đó có rất nhiều lao động nữ.

Trong kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân năm 2013, Chính phủ chưa đề cập đến việc quan tâm đến đời sống của số công nhân bị mất việc làm. Chúng ta cần tiến hành khảo sát, thống kê xem tình trạng này như thế nào, từ đó có những giải pháp trợ giúp cụ thể để họ vượt qua khó khăn trước mắt, sau đó tìm việc làm mới, học nghề mới để chuyển đổi. Nên chăng, khi đặt ra chỉ tiêu đưa khoảng 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta cần ưu tiên cho số công nhân này vì dù sao họ cũng đã được đào tạo nghề, đã thạo việc; nay xuất khẩu lao động, họ không cần hoặc chỉ đào thêm rất ít cho phù hợp với yêu cầu công việc./.

Nguyễn Văn Nhật-Thanh Sang-Tiên Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục