Cử tri quan tâm theo dõi thảo luận về phát triển KTXH

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH được cử tri cả nước theo dõi.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Phiên họp được Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp.

Đúng như dự kiến, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp này đã được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại một số địa bàn như Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi lại ý kiến của một số cử tri xung quanh nội dung thảo luận tại hội trường Quốc hội, được tường thuật trực tiếp.


Cần hết sức thận trọng trong điều hành nền kinh tế

Bà Phạm Thị Thu Hằng, chuyên gia về phần mềm của Công ty Cổ phần FPT (Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng, các đại biểu đã có những thảo luận thẳng thắn, đúng trọng tâm, thông tin mang tính hai chiều, đóng góp cụ thể vào việc điều hành, tăng trưởng kinh tế - xã hội của Chính phủ.

"Dù chịu nhiều tác động, áp lực, bởi muôn vàn những khó khăn từ tình hình suy thoái kinh tế thế giới, song điều có thể thấy, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, kinh tế nước ta đã sáng sủa hơn vào nửa đầu năm 2013 khi tỷ lệ lạm phát cao đang dần được giải quyết, tín dụng đang dần ổn định, mức tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2012," bà Phạm Thị Thu Hằng nhận xét.

Cũng theo cử tri Phạm Thị Thu Hằng: Dù vậy, việc điều hành nền kinh tế cần hết sức thận trọng. Trước mắt, Nhà nước phải sớm giải quyết những vấn đề ngắn hạn, ví dụ như lãi suất. Việc giảm lãi suất nên cân nhắc kỹ, nếu đi quá xa có thể gây mất cân đối thị trường khác như: USD, vàng, bất động sản. Dài hạn hơn, Nhà nước cần tập trung nắm chắc tình hình nợ công, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia theo các luật của Quốc hội và quy chuẩn quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách Nhà nước phù hợp để khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được ngân sách Nhà nước.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cử tri Đàm Ngọc Linh, Ngân hàng Standard Chartered Chi nhánh Hà Nội, cho rằng: Kết quả kinh tế trong nửa năm nay là những điểm sáng cần phải ghi nhận. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế dù có khá hơn so cùng kỳ năm trước nhưng chúng ta cần lường trước vấn đề, liệu rằng, đến cuối năm, nền kinh tế có đạt được sự phục hồi suôn sẻ không. Bởi, có quá nhiều nhiều khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt. "Đau đầu nhất vẫn là doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh, còn nợ xấu, nợ công tiếp tục là vấn đề sinh tử của nền kinh tế. Trong khi đó, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài là mối lo nữa. Những điều này đã khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trở nên “gập ghềnh” hơn," cử tri này lo ngại.

Theo cử tri Đàm Ngọc Linh, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ phải ổn định bộ máy, nhất quán trong điều hành chính sách, nắm vững tình hình thu chi, có các giải pháp hợp lý trong tăng thu ngân sách nhà nước; chống thất thu ngân sách, xử lý nợ đọng; giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách... Về lâu dài phải có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng, tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước, có những chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

"Tôi tin rằng Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm giải quyết được vấn đề này để đưa nền kinh tế nước ta không rơi vào vòng xoáy liên tục lạm phát hay suy giảm kinh tế" - cử tri Đàm Ngọc Linh bày tỏ.

Cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp

Ông Lê Văn Hưng, nông dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An): Quốc hội họp bàn đến nhiều vấn đề, liên quan đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội. Nông dân quan tâm nhất là những giải pháp có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản…

Thực tế, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ mặt nông thôn ở Nghệ An cũng như các tỉnh khác có sự khởi sắc. Nhiều chính sách của Nhà nước đã có tác dụng rõ rệt, như: chính sách giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho con em nông dân, chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân bị thu hồi đất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất…

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, giá bán thấp, phần lớn nông dân có thu nhập không ổn định. Chỉ riêng tại huyện Hưng Nguyên là huyện thuần nông, nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nông dân bị thua lỗ. Nhà nước cần có những giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển; có cơ chế để gắn kết được giữa nông dân với các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, coi sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Liên, Giám đốc Công ty gạch Hoàng Nguyên (Nghệ An): Trong giai đoạn hiện nay, sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội; doanh nghiệp phát triển thì mới có việc làm, có thu nhập, có tiền nộp ngân sách, có công ăn việc làm, kéo theo không chỉ công nhân của doanh nghiệp mà còn cho cả gia đình, cho cả xã hội. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là việc rất cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhưng việc tiếp cận, thực thi các giải pháp vẫn đang vướng mắc, nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ chính sách tháo gỡ khó khăn của Nhà nước. Nhà nước cần rà lại các giải pháp, đẩy mạnh hơn việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tăng sức mua, tái cơ cấu kinh tế, phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiểm soát lạm phát.

Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, ông Y Ring Adrơng cho rằng: Những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, tạo điều kiện giúp bà con xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống.

Ông Y Ring Adrơng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk sớm thực hiện quy hoạch đất đai cho các buôn, làng gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tôn trọng cách thức sử dụng đất rừng của buôn làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; tiếp tục lập phương án hỗ trợ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất đồng thời sớm có kế hoạch đánh giá hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất của các hộ gia đình theo Chương trình 132, 134...

Cử tri Y Ring Adrơng cũng kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm giao đất, giao rừng theo cộng đồng buôn, làng, về lâu dài cần có chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ về phương thức, kỹ thuật sản xuất..., tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành... tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân. Riêng đối với vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cử tri Trang Quang Thành kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ vốn để tạo điều kiện cho nông dân “tái canh” cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích càphê vối trên 202.000 ha, là tỉnh có diện tích càphê vối nhiều nhất nước, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên, giá trị xuất khẩu càphê chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên địa bàn. Ngành sản xuất càphê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây càphê.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa có gần 50.000 ha càphê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém cần phải “tái canh.” Do đó, cử tri Trang Quang Thành kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ tín dụng, kỹ thuật cho chương trình tái canh cà phê thì mới có hiệu quả. Ông Thành cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức lại ngành cà phê, trong đó chú trọng đến xây dựng các mô hình tổ chức thích hợp như hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất... tránh hình thức phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay. Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia xây dựng mối liên kết "4 nhà" để đảm bảo vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn bền vững.

Cần hoàn thiện cơ chế giám sát, nhằm phát hiện, hạn chế, triệt tiêu tình trạng tham nhũng

Ông Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu nhận định: thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, từ Trung ương tới địa phương, đồng thời quyết liệt chống lại nạn tham nhũng, lãng phí đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Ở nhiều ngành, nhiều địa phương, thủ tục được công khai, đơn giản, khống chế thời gian đã hạn chế tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của cán bộ, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào hệ thống chính quyền. Những vụ án tham nhũng, lãng phí lớn, phức tạp đã được điều tra triệt để và đưa ra xét xử nghiêm minh giúp giảm bớt sự bất bình trong dân, chứng tỏ sự công minh của Pháp luật.

Tuy nhiên, các vụ án tham nhũng được phát hiện đưa ra xét xử mới chỉ tập trung ở một số ngành kinh tế và chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí của các quan chức quản lý rất khó bị phát hiện và đưa ra xử lý. Vì vậy, bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, cần hoàn thiện cơ chế giám sát, nhằm phát hiện, hạn chế, triệt tiêu tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng.

Ở lĩnh vực giáo dục, ông Đỗ Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng giáo dục nước nhà hiện đang có những điểm bất bình thường như: lo chạy chọt, xếp hàng từ nửa đêm cho con đi học mầm non; thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy làm người; hệ thống giáo dục quốc dân hoạt động hầu như riêng rẽ, thiếu liên thông… Vì vậy, cần đổi mới tư duy, thay đổi cách nhìn nhận, hiểu đúng bản chất của mô hình xã hội học tập và xây dựng hoàn chỉnh nó bởi đây là mô hình giải quyết được nhiều bất cập, hạn chế của ngành giáo dục hiện nay.

Xã hội học tập là mô hình có sự cân đối, hài hòa giữa giáo dục ban đầu (chính quy) với giáo dục tiếp tục (thường xuyên). Hai hệ giáo dục trên có quan quan hệ hỗ trợ, nối tiếp và liên thông tạo thành một tổ chức giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, trình độ, tầng lớp, ngành nghề, vùng miền. Điều này đảm bảo cho mỗi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng, con người được đào tạo, giáo dục thường xuyên, từ đó hình thành xã hội học tập suốt đời./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục