Cử tri tâm đắc với phiên thảo luận của Quốc hội

Thẳng thắn, đúng trọng tâm, nhiều ý kiến tâm huyết là nhận xét của cử tri về các phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường.
Thẳng thắn, đúng trọng tâm, nhiều ý kiến tâm huyết là nhận xét của đông đảo cử tri về các phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường.

Các cử tri mong Quốc hội, Chính phủ xem xét, chắt lọc, áp dụng những ý kiến chất lượng trong phiên thảo luận này.

Theo cử tri Dương Văn Bảng, cán bộ hưu trí, tổ dân cư 67 phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, những tháng đầu năm, chính sách điều hành giá của Nhà nước đã phát huy tác dụng rõ nét.

Việc giá không biến động mạnh khiến những người dân bình thường, nhất là người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí thoát được mối lo tăng giá. Song, những vấn đề khác khiến người dân lo ngại là việc điều hành giá xăng dầu hiện chưa minh bạch, nhất là việc sử dụng quỹ bình ổn giá mặt hàng này; giá đất, nhà ở cũng có những biểu hiện bất thường nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Cử tri Lê Hà, phường Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, vấn đề nợ quốc gia đang gia tăng cần được tính toán kỹ nhằm đảm bảo cân đối thu-chi ngân sách. Ngoài lĩnh vực kinh tế, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nạn bạo hành trẻ em là những vấn đề xã hội nóng bỏng, cần quan tâm hơn, tránh gây bức xức dư luận. Những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp thời gian qua phát hiện nhiều, song xử phạt chưa thích đáng, cần sớm khắc phục.

Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Ngọc Huỳnh, 62 tuổi, cựu chiến binh ở phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ. Ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với cán bộ về hưu trước việc giá cả các nhu yếu phẩm thiết yếu tăng cao. Cần phải xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác bảo vệ môi trường, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường sống, tiêu hủy chất thải rắn không đúng qui định.

Cử tri Bùi Văn Tiến, cựu chiến binh ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình nhận xét, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu lên được những ý kiến, vấn đề bức xúc, quan tâm của cử tri cả nước. Tuy nhiên, một số đại biểu phát biểu còn dài, ý kiến dàn trải, chưa tập trung đi sâu vào trọng tâm của vấn đề.

Tỏ ý tán thành những ý kiến cho rằng tình hình an sinh xã hội đã không đạt yêu cầu như mong muốn của người dân, cuộc sống của nông dân vẫn rất khó khăn, khả năng tái nghèo là rất lớn, vì vậy ông Tiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho khu vực nông thôn, quan tâm hơn nữa đến đời sống của nông dân, bởi hiện mức sống của người dân khu vực nông thôn quá thấp so với thành thị.

Tiến sĩ Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Thái Bình bày tỏ băn khoăn là nguy cơ tái lạm phát vẫn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững, nhất là chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay còn yếu.

Tiến sĩ Khanh đề nghị Chính phủ nên có chế tài xử lý nghiêm khắc những công ty, doanh nghiệp gây thất thoát và làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân; đề nghị Nhà nước cần có biện pháp xử lý rác thải nông thôn và rác thải khu công nghiệp, làng nghề bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho nhân dân.

Cử tri Huỳnh Văn Minh, ngụ số 95/2 đường Mậu Thân, thành phố Cần Thơ bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội về kinh tế nhà nước, cho rằng chất lượng đóng góp của đại biểu Quốc hội toàn diện sâu sắc, tâm huyết, đi thẳng vào vấn đề thiết thực, hệ trọng của quốc gia, nêu được những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong sự phát triển của đất nước.

Cử tri Lê Bá Tâm, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Chính phủ cần tăng cường các chính sách điều hành và những giải pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là dân nghèo.

Cử tri Lê Bá Tâm cũng đề nghị với một số dự án lớn, quan trọng của quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, công trình thủy điện... Chính phủ cần chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng hơn, cân nhắc và lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời cân nhắc và chặt chẽ hơn trong lựa chọn công nghệ và huy động nguồn vốn cho các dự án rất quan trọng này.

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định 8 giải pháp bình ổn tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong năm 2009 vừa qua là một chủ trương đúng đắn.

Đặc biệt, giải pháp cho vay kích cầu với lãi suất hỗ trợ 4% đã giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong tình hình ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với nguồn vốn, thì cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời ổn định lãi xuất cho vay ngắn hạn ở mức có thể.

Về vấn đề nợ quốc gia, tỷ lệ nợ công cao theo báo cáo của Chính phủ là điều đáng báo động. Giải pháp tối ưu nhất để giảm tỷ lệ nợ công chính là tập trung hoàn thành đúng tiến độ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; hạn chế tối đa để chậm tiến độ, giải ngân không kịp thời gây lãng phí của công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục