Cử tri Thụy Sĩ nhận thấy tầm quan trọng trong quan hệ với EU

74% cử tri Thụy Sĩ bác đề nghị Ecopop nhằm hạn chế nhập cư ròng cho thấy cử tri nhận thấy tầm quan trọng trong quan hệ phù hợp với EU.
Cử tri Thụy Sĩ nhận thấy tầm quan trọng trong quan hệ với EU ảnh 1Người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu trưng cầu dân ý. (Nguồn: Reuters)

Kết quả cuộc bỏ phiếu mới nhất với hơn 74% cử tri bác bỏ đề nghị Ecopop nhằm hạn chế nhập cư ròng hàng năm không quá 0,2% dân số để làm chậm sự tăng trưởng dân số, hạn chế phát triển đô thị và bảo vệ môi trường của Thụy Sĩ.

Sự từ chối áp đảo cho thấy cử tri Thụy Sĩ nhận thấy tầm quan trọng trong việc có một mối quan hệ phù hợp với Liên minh châu Âu (EU).

Tờ Neue Luzerner Zeitung cho rằng mối quan hệ trong tương lai của Thụy Sĩ với EU vẫn là vấn đề hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn cuộc bỏ phiếu cho Ecopop với cuộc bỏ phiếu có cho quan hệ song phương với EU.

Các cử tri Thụy Sĩ ngày 30/11 đã bác bỏ cuộc trưng cầu về việc kiềm chế chặt chẽ nhập cư ròng ở mức 0,2% dân số, tức là chỉ tăng 16.000 người mỗi năm thay vì khoảng 80.000 ngàn người như hiện nay.

Kế hoạch này cũng đòi chính phủ dành riêng 10% ngân sách viện trợ phát triển quốc tế cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình ở nước ngoài, một hành động mà những người chỉ trích nói là phản ánh chủ nghĩa tân thực dân.

Nhật báo tiếng Pháp Le Temps cho rằng cuộc bỏ phiếu chống lại các sáng kiến Ecopop sẽ không thay đổi chiến lược triển khai kế hoạch của chính phủ liên bang Thụy Sĩ nhằm "thực hiện nghiêm chỉnh" hạn ngạch cho người nhập cư, mà cuộc bỏ phiếu ngày 9/2 năm nay đã được thông qua.

Kết quả cao của cuộc bỏ phiếu ngày 30/11 không nên hiểu rằng có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Số người bỏ phiếu từ chối Ecopop vì họ có niềm tin rằng chính phủ liên bang sẽ hành động đúng đắn để thực hiện hạn ngạch nhập cư. Các cử tri rõ ràng thấy rằng đề xuất Ecopop là "quá đáng".

Còn tờ Tribune de Genève cho rằng kết quả cuộc trưng cầu hôm qua không chỉ có tác động đến việc thực hiện sáng kiến chống nhập cư hàng loạt hồi đầu năm nay (ngày 9/2) của chính phủ, mà còn cho thấy họ không muốn hy sinh các thỏa thuận song phương và quan hệ tương lai với EU.

Thụy Sĩ là một quốc gia có mức sống cao, với số dân trên 8 triệu người và khoảng 1/4 dân số là người nước ngoài mà hầu hết là từ các nước EU. Trên thực tế, dân số Thụy Sĩ đã tăng hơn 1 triệu người trong 20 năm qua.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/11, những người phản đối Ecopop cho rằng đề nghị này có tính chất bài ngoại và sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, trong khi những người ủng hộ tỏ ra lo lắng tình trạng quá tải, suy thoái môi trường và muốn giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục