Cụ Vương Hồng Sển & tác phẩm "Khám lớn Sài Gòn"

Cụ Vương Hồng Sển, sau cuộc đời rất dài của mình đã để lại một số di cảo, làm dày thêm khối lượng tác phẩm phong phú của cụ.
Cụ Vương Hồng Sển, sau cuộc đời rất dài của mình (cụ sống thọ 94 tuổi, qua đời vào năm 1996) đã để lại một số di cảo, làm dày thêm khối lượng tác phẩm phong phú của cụ.

Mặc dù xưa kia, cụ từng khiêm tốn nói rằng, cụ tự coi mình là “tiểu thuyền” không dám đương nổi “trọng tải,” nhưng những tác phẩm của cụ đều có bề dày thời gian.

Tác phẩm Vương Hồng Sển còn dày thêm một lớp nữa đầy sang trọng, với một cuộc đời đã sống ăm ắp giao du, sự kiện và chi tiết, mà cụ tích tụ lại rồi từ đó tạo thành những sách vở rất hiếm người trên đời có khả năng viết nổi.

Sau “Cuốn sách và tôi”, tập di cảo mà Nhà xuất bản Trẻ in hồi năm ngoái, chủ yếu nói về sách vốn là một mảng quan trọng làm nên sự nghiệp và tên tuổi của Vương Hồng Sển, mới đây một di cảo mới của cụ Vương đã được in, và lần này đi vào một chủ đề khác hẳn, đó là tập “Khám lớn Sài Gòn” (Nhã Nam & Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh).

Vương Hồng Sển hoàn thành cuốn sách này chỉ vài tháng trước khi qua đời.

Năm 1953, Khám lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), một tòa nhà đẹp nhưng cũng là chốn khủng khiếp từng giam cầm Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm (mà các chí sĩ này từng kể lại trong hồi ký và các bài viết), nơi đặt máy chém (guillotine) từng chém đầu Lý Tự Trọng, đã đi hết chặng đường lịch sử của mình vì có Khám Chí Hòa thay thế.

Tòa nhà ở phố La Grandière này bị Nguyễn Văn Lâm, “trào Đốc phủ làm Thủ hiến Nam kỳ” (tr. 20) quyết định phá đi. Từ nơi này rồi sẽ mọc lên Đại học Văn khoa lừng danh.

Vương Hồng Sển là người chứng kiến những thời khắc cuối cùng cuộc tồn tại của Khám lớn Sài Gòn, bởi ông đã xin được phép vào Khám trong thời gian nó bị dân phu phá hủy.

Ông nhờ được người bạn Nguyễn Văn Khương mang máy ảnh vào chụp thực địa nơi này. Cụ Vương giữ được bốn mươi bức ảnh để rồi khoảng nửa thế kỷ sau đó, sau khi nhờ mấy học giả khác là Thái Bạch (tác giả cuốn “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp”) và Bùi Đức Tịnh mà không ai mặn mà với công việc này, cụ đã viết lại lịch sử sự phá hủy tòa nhà Khám lớn, bằng cách bình luận các bức ảnh.

Ngoài ra, cụ Vương còn giữ được một số bài thơ viết lên trên vách khám, thực đơn ăn uống ở đây, cũng như các bài báo bằng tiếng Pháp có liên quan tới sự việc.

Ai từng biết cách làm việc của cụ Vương đều hay rằng, cụ thu thập tư liệu rất “dữ dội”, giữ lại từng mẩu nhỏ với người khác là không mấy quan hệ, để dùng sau này (kể cả khi biết rằng rất có thể mình sẽ chẳng bao giờ dùng tới).

Nặng lòng với quá khứ, cụ từng đề đạt với Trương Bửu Lâm (“con cưng” của linh mục Cao Văn Luận thời ấy) giữ lại những gian phòng lớn để sau này có thể dùng làm nơi chứa văn khố hoặc giảng đường (sự việc được kể ở trang 71), nhưng đề nghị của Vương Hồng Sển không được nghe theo.

Đọc Vương Hồng Sển là đọc lại những dấu tích quá khứ được nâng niu theo lối chăm chút đến khó tả. Cụ Vương đã chứng tỏ  điều này trong vô số tác phẩm, nhất là bộ “Hiếu cổ đặc san,” rồi “Sài Gòn năm xưa,” “Phong lưu cũ mới."

Các chi tiết làm nên lối văn Vương Hồng Sển, và cả sự lan man đã trở thành huyền thoại. Rất hiếm ngòi bút nào liên tục cưỡng lại sức tiến lên của độc giả như thế: ta không thể đọc nhanh một cuốn sách của Vương Hồng Sển, cho dù muốn đến đâu. Ở khía cạnh này, trong suốt nhiều năm chỉ có một lối viết tương tự có thể mang ra so sánh, đó là lối viết của sử gia Tạ Chí Đại Trường.

Ngày nay, cụ Vương đã trở thành một huyền thoại, giống như những huyền thoại cụ từng kể lại và phân tích trong những cuốn sách của mình. Dân sưu tầm sách Việt Nam ai cũng sẽ thấy là một hạnh ngộ to lớn nếu có được một quyển sách từng nằm trong tủ sách của Vương Hồng Sển.

“Khám lớn Sài Gòn” cũng là một đóng góp vào sự nhìn lại (một sự nhìn lại đầy hoài nhớ) một Sài Gòn xưa cũ, cái chốn từng có bến Bình Đông, rồi Hành lang Thiên đường (Passage Eden) nhưng giờ cứ ngày một thêm mai một đi mãi./.

Nhị Linh (TTVH&Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục