'Cửa ải' lớn của Thủ tướng Anh sau chiến thắng lịch sử

Đối mặt với ông Johnson sẽ là những mối đe dọa dù bình lặng hơn nhưng có thể lớn hơn; đó là nguy cơ Bắc Ireland sẽ bắt đầu trượt ra khỏi liên hiệp này.
'Cửa ải' lớn của Thủ tướng Anh sau chiến thắng lịch sử ảnh 1Thủ tướng Boris Johnson nhảy ra khỏi ghế khi kết quả bỏ phiếu khu vực Blyth Valley được công bố. (Nguồn: thetimes.co.uk)

Theo tờ Financial Times của Anh, hai bức ảnh được chụp trong đêm bầu cử tại Anh đã nói lên rất nhiều điều. Đó là hình ảnh Thủ tướng Boris Johnson nhảy ra khỏi ghế khi kết quả bỏ phiếu khu vực Blyth Valley được công bố và hình ảnh vui mừng của bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (NSP).

Tuy nhiên, sau những niềm vui từ những chiến thắng vừa qua, đã có những dự đoán về khả năng "hai người chiến thắng này" đang trên tiến trình xung đột với nhau về tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh.

Đây là cuộc xung đột mà ông Johnson có thể làm chệch hướng, ít nhất là trong năm tới. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cuộc chiến chính trị thực sự khi cả hai bên đều có những lá bài mạnh.

[Thủ tướng Anh công bố 100 ngày đầu tiên bận rộn của nội các mới]

Ngoài ra, đối mặt với ông Johnson sẽ là những mối đe dọa dù bình lặng hơn nhưng có thể lớn hơn; đó là nguy cơ Bắc Ireland sẽ bắt đầu trượt ra khỏi liên hiệp này.

Chỉ vài giờ sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố, bà Sturgeon tuyên bố rằng người dân đã trao cho bà nhiệm vụ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới về độc lập.

Tuy nhiên, theo Đạo luật Scotland năm 1998, bộ luật được lập ra và quy định về quyền của Quốc hội Scotland, những vấn đề ảnh hưởng đến sự thống nhất của Vương quốc Anh là thuộc thẩm quyền của Quốc hội Anh ở Westminster. Theo đó, Scotland sẽ không thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập với kết quả có tính ràng buộc đối với cả hai bên mà không có sự chấp thuận của Westminster.

'Cửa ải' lớn của Thủ tướng Anh sau chiến thắng lịch sử ảnh 2Thủ hiến vùng Scotland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh, bà Nicola Sturgeon, công bố cương lĩnh tranh cử của đảng SNP tại Glasgow ngày 27/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ của ông Johnson sẽ không chấp nhận điều đó. Một số luật sư cho rằng nguyên tắc này chưa bao giờ được thử thách tại tòa và nói về một trận chiến hiến pháp có thể xảy ra tại Tòa án Tối cao, nhưng nhiều người cho rằng điều đó khó xảy ra.

Bà Sturgeon cho rằng: “Scotland không thể bị giữ trong một liên hiệp trái với ý nguyện của mình” và cuộc trưng cầu dân ý độc lập đầu tiên vào năm 2014 đã thừa nhận nguyên tắc đó.

Tuy nhiên, luật pháp quốc tế lại có sức nặng đáng kể đối với vấn đề chủ quyền và có xu hướng coi nỗ lực ly khai của các bộ phận của một quốc gia là vấn đề của quốc gia đó (như trường hợp người Catalonia hoặc người Kurd). Mặc dù Liên hợp quốc công nhận nguyên tắc tự quyết, nhưng đó không giống với quyền ly khai.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Trên tất cả, đây sẽ là một cuộc chiến chính trị của hai sự ủy nhiệm với những khẳng định đối lập nhau về tính hợp pháp cho Scotland của bà Sturgeon và cho toàn bộ Vương quốc Anh của ông Johnson.

Về phía bà Sturgeon, bà có một loạt công cụ để chứng minh sự ủng hộ và do đó làm tăng áp lực lên ông Johnson. Cuộc bầu cử Quốc hội Scotland năm 2021 sẽ đóng một phần quan trọng nếu bà Sturgeon chọn đấu tranh độc lập và giành được kết quả mong muốn.

Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ độc lập là gần 50%, nhưng SNP chỉ nhận được 45% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, cho thấy các cuộc kiểm tra sự ủng hộ độc lập trong tương lai có thể lại thất bại.

Bản thân Brexit - và việc đối xử với quyền đánh bắt cá - có thể thúc đẩy vị thế của SNP, nhưng phiên tòa xét xử Thủ hiến Alex Salmond trong năm tới, người tiền nhiệm của bà Sturgeon, có thể làm tổn thương SNP, trong khi lời kêu gọi trưng cầu dân ý mới của đảng này có thể khiến nhiều bộ phận của tầng lớp trung lưu Scotland trở nên xa lánh.

Trừ khi sự ủng hộ độc lập gia tăng một cách mạnh mẽ, ông Johnson có thể phớt lờ lời kêu gọi này trong nhiều năm. Tuy nhiên, chiến thuật tốt nhất của ông sẽ là thực hiện một chiến dịch phản công, thuyết phục bốn vùng lãnh thổ bằng các giá trị của liên hiệp vương quốc này và để thành công, sẽ cần không chỉ vấn đề kinh tế mà còn là nhiều vấn đề khác nữa.

Một lựa chọn có thể nữa là việc nghiên cứu phân quyền lớn hơn, đưa Vương quốc Anh tiến gần hơn đến mô hình liên bang. Trong bất kỳ chiến thuật nào của mình, ông Johnson cũng nên thận trọng tính đến Bắc Ireland như khi tính cho Scotland và không bỏ qua xứ Wales, nơi một phong trào độc lập chưa bao giờ có nhiều động lực, nhưng đang trở nên ồn ào hơn.

Trong khi đó, chính Bắc Ireland là nơi có thể khó khăn nhất để thuyết phục phần lớn người dân về giá trị của việc ở lại trong liên hiệp vì những người theo chủ nghĩa hợp nhất đã cảm thấy cay đắng với thỏa thuận Brexit của ông Johnson.

Việc Thủ tướng giải quyết vấn đề Brexit như thế nào sẽ đóng một vai trò lớn trong việc có giữ được liên hiệp vương quốc này hay không. Tuy nhiên, điều này có khả năng còn phụ thuộc nhiều hơn vào việc Thủ tướng có thừa nhận các mối căng thẳng này và có chủ động cố gắng giải quyết chúng hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục