Cửa cho lao động Việt sang Macau đang tạm đóng?

Macau là một thị trường rất nhiều tiềm năng với không ít lợi thế cho lao động Việt Nam nhưng hiện tại, cánh cửa này đang tạm đóng.
Động thái Macau - khu hành chính đặc biệt thuộc Trung Quốc siết chặt quy định thị thực nhập cảnh với người mang hộ chiếu Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến luồng lao động xuất khẩu sang thị trường còn mới mẻ song đầy tiềm năng này.

Trước ngày 1/7 năm nay, việc nhập cảnh vào Macau rất đơn giản. Tại bất cứ cửa khẩu nào của Macau (đường bộ, đường thủy, đường không), bạn đều có thể làm thị thực nhập cảnh nhanh chóng với giá 100 đôla Hongkong hoặc 100 Patacas (tiền Macau), tương đương 250.000 đồng. Visa này cho phép bạn lưu trú tại Macau tối đa một tháng.

Chính vì việc nhập cảnh dễ dàng như vậy nên thị trường lao động Macau cũng rất đặc biệt khi đại đa số người lao động Việt Nam vào đây đều bằng... visa du lịch. Điều này khiến thủ tục thông thoáng song lại làm nảy sinh thực trạng là số lượng lao động "chui," tự đi ngày càng nhiều, khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chính quyền Macau thay đổi quy định thị thực nhập cảnh với người mang hộ chiếu Việt Nam.

Giờ đây, người mang hộ chiếu Việt Nam cần xin visa Macau từ trước, với các giấy tờ khá phức tạp và thời gian chờ đợi lâu.

Vắng bóng du khách lẫn lao động

Sau quy định trên, cộng với việc hãng hàng không giá rẻ Viva Macau bay trực tiếp Macau-Hà Nội và Macau-Thành phố Hồ Chí Minh ngừng bay và phá sản hồi đầu năm, lượng du khách Việt Nam đến với "Las Vegas châu Á" này giảm mạnh, hầu như không có. Đây là điều đáng tiếc bởi Macau vốn luôn là một địa điểm được ưa chuộng trong các tour du lịch từ trong nước sang Hongkong.

Lượng lao động người Việt tới thị trường Macau cũng đang bị phanh lại đột ngột.

Ông Âu Dương Quảng Cầu - Chủ tịch Hiệp hội môi giới lao động nước ngoài tại Macau cho biết: "Trước ngày 1/7/2010, mỗi ngày có khoảng 7-8, thậm chí là 10 lao động Việt Nam đến Macau. Nhưng một tháng qua, không có thêm trường hợp lao động người Việt nào tới được Macau trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài tại đây đang rất cao, đặc biệt trước mùa cao điểm cuối năm."

Theo ông Âu Dương Quảng Cầu, vướng mắc chính là thủ tục nhập cảnh mới. Do đặc thù của Macau, không có sự phân biệt giữa visa du lịch và visa lao động. Việc tuyển dụng lao động nước ngoài tại đây không cần bất kỳ một hợp đồng ngoại nào của quốc gia phái cử.

Khi lao động đến Macau, các trung tâm môi giới lao động sẽ ghi lại thông tin đầy đủ và khả năng như trình độ ngoại ngữ. Những thông tin đó được chuyển đến chủ lao động. Khi có chủ nhận, lao động sẽ thử việc một tháng. Đạt yêu cầu, chủ lao động mới làm thủ tục cư trú dài hạn 1 năm cho lao động. Hết 1 năm, nếu vẫn cần, chủ lao động sẽ ký tiếp song thời hạn tối đa chỉ một năm một.

Trước đây, lao động người Việt Nam thường tới Macau bằng đường bộ. Họ làm visa nhập cảnh tại cửa khẩu, được phép ở 1 tháng. Sau 1 tháng nếu chưa tìm được việc, họ có thể làm visa lần 2 với thời gian 20 ngày. Sau đó, họ vẫn có thể thêm lần 3 với thời gian 10 ngày.

Giờ đây, các hợp đồng xuất khẩu lao động đang không thể thực hiện được bởi một lí do cơ bản là nhà tuyển dụng Macau luôn muốn tiếp xúc, thử trình độ lao động trước khi ký hợp đồng chính thức. Trong khi đó, muốn xin visa sang Macau, người lao động lại cần có sự bảo lãnh của nhà tuyển dụng.

Bài học cho sự tự phát

Những công ty xuất khẩu lao động nghiêm túc đang lâm vào thế khó khăn mà nguồn gốc xuất phát từ tình trạng sang Macau làm việc theo cách "tự phát." Rất dễ dàng để có mặt ở Macau bằng đường bộ từ Việt Nam với chi phí rẻ. Tính đơn giản của thị trường lao động này kèm mức thu nhập khá tốt (khoảng 2.500 patacas/tháng, tương đương 6.250.000 đồng/tháng, chủ tuyển dụng bao ăn ở) cũng góp phần tạo nên một làn sóng "đi chui." Có người thông qua công ty môi giới, có người tự đi theo lời rủ rê của người thân, bạn bè đang làm bên đó...

Theo thống kê từ Hiệp hội môi giới lao động nước ngoài của Macau, tính đến thời điểm này, có khoảng 8.000-10.000 lao động Việt Nam đang làm việc chính thức tại đây, còn số "đi chui" ước tính khoảng 3.000-4.000 người.

Sau khi có mặt tại Macau, họ tìm đến các trung tâm môi giới, nộp phí và chờ tìm được chủ. Điều nguy hiểm đối với hình thức "tự phát" này, theo chị Cao Thị Tuyết, 43 tuổi, quê ở Gia Hòa, Gia Lộc, Hải Dương, người đã có hơn 4 năm thâm niên làm việc tại Macau, là khả năng tìm việc bấp bênh và khi có việc rồi, người lao động không có được sự đảm bảo về quyền lợi, nhất là khi xảy ra vấn đề với chủ.

Bên cạnh đó, việc không ít người lao động thường xuyên "nhảy việc," đổi chủ hay bỏ trốn vừa đem lại nguy cơ rủi ro cho họ vừa ảnh hưởng tới trật tự xã hội sở tại.

Chính quyền Macau đã từng tìm cách thắt chặt hơn quy định nhập cảnh như phải mang tối thiểu 15.000 đôla Hongkong hoặc Patacas để được phép ở lại đây 1 tháng. Tuy nhiên, các "cò" môi giới lao động lách luật bằng cách sẵn sàng cho người lao động vay số tiền trên ngay tại cửa khẩu. Xong xuôi thủ tục nhập cảnh, họ thu lại!

Giờ đây, việc ngừng cấp visa cửa khẩu đã chặn được tình trạng lao động Việt Nam "đi chui." Nhưng ngược lại, biện pháp này của chính quyền Macau cũng đang khiến kênh xuất khẩu lao động chính thức của Việt Nam gặp khó khăn.

Theo quy định mới, visa Macau được cấp bởi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Thủ tục cần có thông tin về chủ sử dụng lao động, thư yêu cầu của chủ sử dụng lao động, văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Macau cho phép lao động làm việc tại đây. Trong khi đó, ông Âu Dương Quảng Cầu cho biết chủ sử dụng lao động tại Macau lại không có thói quen ký hợp đồng ngay như vậy. Họ luôn muốn gặp và thử trình độ trực tiếp của lao động trước khi quyết định tuyển dụng.

Trông chờ một giải pháp

Ông Âu Dương Quảng Cầu nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: "Cần tìm ra một con đường." Ông cho biết, lao động Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường này vì tính cần cù, siêng năng và "không đỏng đảnh," kén chọn công việc. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn có lợi thế là di chuyển sang Macau thuận lợi bằng đường bộ với chi phí rẻ.

Trong khi đó, lấy ví dụ như lao động Philippines, các công ty môi giới và chủ tuyển dụng phải trả chi phí di chuyển bằng đường không.

Hiệp hội môi giới lao động nước ngoài tại Macau của ông Âu Dương Quảng Cầu đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn về visa cho lao động người Việt Nam, xúc tiến trao đổi với các cơ quan chức năng của Macau cũng như hy vọng sẽ có những hợp tác cụ thể hơn giữa Việt Nam và khu hành chính đặc biệt này trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Với diện tích nhỏ chỉ 28,2km2 và dân số khoảng 514.000 người song Macau là một trung tâm dịch vụ lớn của châu Á mà cụ thể là các lĩnh vực vui chơi giải trí. Hàng năm, thị trường này cần khoảng 70.000 lao động nước ngoài làm việc trong các ngành nghề dịch vụ khách sạn, nhân viên nhà hàng, giúp việc gia đình.

Có thể nói, Macau là một thị trường rất nhiều tiềm năng với không ít lợi thế cho lao động Việt Nam nhưng rất tiếc, cánh cửa này đang tạm đóng. Chìa khóa mở lại nó rất cần những phối hợp, trao đổi cụ thể giữa hai bên để thuận tiện hơn trong các khâu thủ tục./.

Hà Ngọc-Trung Sơn (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục