Cửa ngõ giúp cho Trung Quốc đi xa hơn ở châu Âu

Hợp tác với Đức là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc để từ đó mở rộng quan hệ mọi mặt giữa nước này với Liên minh châu Âu.
Việc Thủ tướng Lý Khắc Cường chọn Đức là điểm dừng chân số 1 tại Liên minh châu Âu (EU) trong chuyến công du nước ngoài khá dài ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng Ba cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng các mối quan hệ với Đức.

Hợp tác với Berlin đã là sự lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh để từ đó không chỉ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước mà còn mở rộng quan hệ mọi mặt giữa Trung Quốc và EU.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc và Đức là những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương và thực sự bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Đức không chỉ phù hợp với lợi ích của hai nước mà còn góp phần thúc đẩy các mối quan hệ giữa Trung Quốc với EU và cả thế giới.

Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Đức nhằm tăng cường sự hợp tác quy mô lớn giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Ông cho rằng việc Trung Quốc thực hiện các chương trình công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp để nâng cấp nền kinh tế sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn cho hai nước.

Về phần mình, bà Merkel thừa nhận Đức và Trung Quốc đã hợp tác nhịp nhàng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao và nông nghiệp; hai nước có các mối quan hệ rất chặt chẽ và đã nâng các mối quan hệ này lên một tầm cao chưa từng có.

Bà Merkel khẳng định Đức sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi và tiếp xúc để hiểu biết lẫn nhau nhằm cùng Trung Quốc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Theo bà, Đức ủng hộ sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa EU và Trung Quốc, đồng thời đề xuất hai bên sử dụng đối thoại và tham vấn để giải quyết các vấn đề trên tinh thần hợp tác, nỗ lực nâng cao kim ngạch thương mại và tránh xung đột nhằm đạt được lợi ích chung cũng như những kết quả đôi bên cùng có lợi.

Hợp tác kinh tế là trụ cột trong mối quan hệ song phương Trung-Đức. Trung Quốc là đối tác thương mại châu Á-Thái Bình Dương số một của Đức, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở châu Á và thứ ba trên thế giới, sau Pháp và Hà Lan. Kim ngạch thương mại song phương năm 2012 đã đạt 161,13 tỷ USD, chiếm 29,5% kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu. Khu vực xuất khẩu của Đức đang chịu tác động nặng nề của khủng hoảng nhưng tại thị trường Trung Quốc, năm 2012, các hãng sản xuất ôtô Đức như Volkswagen, Daimler hay BMW đã bán được 2,8 triệu xe, trong lúc xuất khẩu máy móc sang thị trường này cũng mang về 17 tỷ euro.

Theo Bertelsmann, một viện nghiên cứu chiến lược của Đức, tốc độ tăng trưởng thương mại song phương nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây cùng mối quan hệ kinh tế ngày càng bền chặt giữa Đức và Trung Quốc đã góp phần nâng sự gắn kết về kinh tế giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Helmut Hauschild, Giám đốc Chương trình các vấn đề liên quan đến Đức và khu vực châu Á của Viện này, nói: "Các thiết bị máy móc do Đức sản xuất đóng một vai trò then chốt trong ngành công nghiệp Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại là nhà cung cấp hàng tiêu dùng quan trọng cho Đức. Mức độ tuỳ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế đã tạo nên một động lực mạnh mẽ giúp Chính phủ hai nước nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy mạnh hợp tác ngày càng chặt chẽ để mở cửa thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp của cả hai nước."

Bertelsmann ước tính tới năm 2020, đầu tư từ Trung Quốc vào Đức sẽ tăng gấp ba lần năm 2012 và đạt mức 2,1 tỷ USD. Đầu tư từ Trung Quốc tăng nhanh đã giúp đảm bảo việc làm cho công nhân tại các doanh nghiệp bị vỡ nợ, và tạo thêm nhiều cơ hội mới cho người lao động tại Đức.

Về quan hệ với EU, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc ông chọn Đức là điểm đến đầu tiên trong EU cho thấy Trung Quốc rất coi trọng các mối quan hệ với EU. Trong bối cảnh Trung Quốc và EU đang đứng trước những cơ hội mới trong năm 2013, kỷ niệm một thập niên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ông kêu gọi hai bên nắm bắt tình hình và xu hướng hợp tác chung, đồng thời giải quyết thỏa đáng các bất đồng nhằm tạo ra những bước tiến mới trong các mối quan hệ song phương. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Trung Quốc là 212 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 334 tỷ USD.

Đức là nền kinh tế lớn nhất EU và hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng euro. Do đó tạo lập mối quan hệ với Trung Quốc là con đường để các quốc gia châu Âu đang chật vật với cuộc khủng hoảng nợ khám phá một thị trường rộng lớn, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đang trì trệ của mình. Đổi lại, sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu sẽ giúp ổn định môi trường bên ngoài Trung Quốc.

Cam kết ngăn chặn chiến tranh thương mại


Chuyến công du Đức của Thủ tướng Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc liên quan tới sản phẩm viễn thông, tấm pin Mặt Trời và ống thép đang nóng lên.

Châu Âu muốn áp thuế chống bán phá giá 37-69% đối với tấm pin Mặt Trời nhập từ Trung Quốc, song Thủ tướng Merkel lại không hoàn toàn ủng hộ, mà muốn vận động cho một giải pháp chính trị tránh không để hai bên lao rơi vào cuộc chiến chống phá giá, không có lợi cho hai bên.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý Khắc Cường chiều 26/5, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh “Đức và Trung Quốc cùng bác bỏ chủ trương bảo hộ mậu dịch.” Thủ tướng Merkel cam kết nỗ lực để “ở cấp châu Âu, các bên nhanh chóng thảo luận với phía Trung Quốc” về vấn đề thuế nhập khẩu đánh vào pin Mặt Trời của Trung Quốc bán sang thị trường châu Âu.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc "kiên quyết phản đối" kế hoạch của EU khảo sát các sản phẩm viễn thông của nước này và áp thuế các tấm pin Mặt Trời. Ông cho rằng động thái đó không chỉ đe dọa công ăn việc làm ở Trung Quốc và các ngành liên quan, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty, người tiêu dùng và nền công nghiệp châu Âu. Theo ông, kế hoạch áp thuế của EU sẽ "gây phương hại cho các bên mà châu Âu không được lợi lộc gì." Do đó ông hy vọng hai bên có thể giải quyết các bất đồng thông qua con đường đối thoại.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã đề nghị được gặp Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht, chỉ vài ngày trước khi EC có kế hoạch thông báo về việc tạm thời áp thuế chống bán phá giá đối với tấm pin Mặt Trời của Trung Quốc vào ngày 5/6. Theo người phát ngôn của Ủy viên Thương mại EU, ông De Gucht tỏ ý sẵn sàng đàm phán về một giải pháp với Trung Quốc./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục