Cuba phản ứng việc Canada giảm nhân viên ngoại giao tại Havana

Cuba khẳng định việc điều chỉnh quy mô phái bộ ngoại giao Canada tại Havana sẽ không hỗ trợ cho cuộc điều tra về các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, và điều này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Cuba phản ứng việc Canada giảm nhân viên ngoại giao tại Havana ảnh 1Đại sứ quán Canada tại Havana. (Nguồn: Reuters)

Hãng thông tấn Prensa Latina ngày 30/1 dẫn lời Đại sứ Cuba tại Canada Josefina Vida xác nhận quyết định của chính phủ Canada giảm một nửa số nhân viên ngoại giao tại Cuba, sau khi Ottawa thông báo có thêm một nhân viên ngoại giao nước này tại Havana gặp vấn đề về sức khỏe. 

Bà Vidal nhấn mạnh Cuba hiểu rõ trách nhiệm của Canada trong việc bảo vệ nhân viên ngoại giao tại bất kỳ nước nào trên thế giới và nỗ lực làm rõ sự việc trên, song việc cắt giảm nhân viên là “không cần thiết.” 

Nhà ngoại giao Cuba khẳng định việc điều chỉnh quy mô phái bộ ngoại giao Canada tại Havana sẽ không hỗ trợ cho cuộc điều tra về các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, và điều này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Theo bà, quyết định của Ottawa cho thấy sự trái ngược về mức độ, tình trạng của các nhân viên ngoại giao Canada tại nhiều nước khác, những nơi không được đảm bảo về an ninh, an toàn, sự mến khách như tại Cuba.

Bà Vidal đồng thời khẳng định Cuba sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra của Canada để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng nêu trên.

[Cuba đề nghị tổ chức cuộc họp khoa học quốc tế về “sự cố sóng âm”]

Ngoài ra, Đại sứ Vidal lưu ý rằng Mỹ đã có động thái tương tự như Canada sau khi Washington cáo buộc về cái gọi là vụ tấn công bằng "sóng âm" là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên ngoại giao Mỹ.

Trước đó cùng ngày, Canada thông báo quyết định giảm một nửa số nhân viên ngoại giao tại Cuba, sau khi có thêm một nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Canada cho biết các cuộc kiểm tra cho thấy thêm một nhân viên ngoại giao của nước này tại Havana có các triệu chứng về sức khỏe tương tự như các trường hợp trước đó.

Như vậy, tính từ năm 2017 đến nay, đã có 14 công dân Canada mắc các triệu chứng chưa lý giải được về sức khỏe tại Cuba như choáng váng, đau đầu và buồn nôn. Phát biểu với báo giới, một quan chức Canada cho biết, việc tiếp tục giảm số nhân viên của phái bộ ngoại giao của nước này là một giải pháp phù hợp.

Các nhà ngoại giao Canada và Mỹ đã báo cáo về việc một số nhân viên ngoại giao của hai nước có vấn đề về sức khỏe từ mùa Xuân năm 2017. Sự việc đã khiến Mỹ giảm số nhân viên ngoại giao tại Havana từ 50 xuống mức tối thiểu là 18 người, sau khi 26 nhân viên mắc các triệu chứng trên, đồng thời trục xuất 17 nhân viên Đại sứ quán Cuba tại nước này.

Chính phủ Cuba đã nhiều lần khẳng định mọi kết quả điều tra đều đi tới kết luận rằng không có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời chỉ trích Mỹ sử dụng chiêu bài này để phá hoại quan hệ song phương.

Mặt khác, Havana nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với giới chức Mỹ nhằm làm rõ cái gọi là vụ tấn công bằng "sóng âm,” đồng thời sẵn sàng đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn của người dân Cuba và người nước ngoài tại đảo quốc này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây cũng thừa nhận chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho các vấn đề sức khỏe của các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục