Cục diện đấu tranh Mỹ-Trung Quốc khó thay đổi

Những diễn biến gần đây ở Nhà Trắng cho thấy phe cứng rắn đang “thất thế,” dù chính quyền ông Trump nới lỏng cho Trung Quốc về thương mại, không có nghĩa Washington sẽ thay đổi thái độ với Bắc Kinh.
Cục diện đấu tranh Mỹ-Trung Quốc khó thay đổi ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những diễn biến gần đây ở Nhà Trắng dường như cho thấy phe cứng rắn đang “thất thế.” Tuy nhiên, dù chính quyền Tổng thống Donald Trump có nới lỏng một chút cho Trung Quốc trong vấn đề thương mại, điều đó không có nghĩa Washington sẽ thay đổi thái độ trong cuộc đấu tranh với Bắc Kinh.

Theo nguồn tin công khai ở địa bàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị G20 tại Buenos Aires của Argentina vào ngày 30/11 hoặc 1/12 tới.

Dư luận quốc tế đặc biệt chú ý tới sự kiện này, kỳ vọng trong cuộc gặp này hai bên có thể đạt được nhận thức chung nào đó để tái khởi động đàm phán song phương giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc vốn được cả thế giới quan tâm.

Trước thềm cuộc gặp, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ-Trung Quốc đang khôi phục đối thoại trong vấn đề thương mại ở mọi cấp độ. Dù không tiết lộ phía Trung Quốc có đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ hay không, nhưng theo Larry Kudlow, đàm phán vẫn tốt hơn là không đàm phán.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng tuyên bố không thể kỳ vọng nguyên thủ Trung Quốc-Mỹ sẽ thảo luận các vấn đề chi tiết.

Theo Bộ trưởng Wilbur Ross, nếu tiến triển thuận lợi, hai nhà lãnh đạo sẽ định ra khung đàm phán tương lai, nhưng hai bên không thể đạt được thỏa thuận chính thức toàn diện trong tháng 1/2019 hoặc trước đó.

Theo tạp chí Economic Journal, vấn đề là sau khi đảng Cộng hòa để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi đầu tháng, cộng thêm việc các nhân vật chủ chốt thuộc phái cứng rắn trong Nhà Trắng dường như “thất thế,” cho thấy sự bất đồng của Washington trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, dư luận đã gia tăng kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc sắp tới.

Ngoài đồn đoán về việc ông Wilbur Ross sắp bị thay thế, việc Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro gần đây thẳng thừng chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các nhân vật chủ trương tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc thông qua đàm phán cũng bị nhìn nhận như hành động “giẫy chết.”

Thậm chí, Larry Kudlow còn nói rõ rằng phát biểu của Peter Navarro không đại diện cho ông Donald Trump và Nhà Trắng không ủy quyền cho ông Peter Navarro phát biểu. Do vậy, để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc, điều mà dư luận quan tâm là ai sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của phía Mỹ để gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

[Xung đột thương mại Mỹ-Trung đe dọa đổ vỡ thị trường toàn cầu]

Rốt cuộc, đó sẽ là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người được Peter Navarro coi như đại diện đàm phán duy nhất của phía Mỹ? Hay nhân vật coi trọng lợi ích thực tế Steven Mnuchin?

Mới đây, ông Robert Lighthizer cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục các biện pháp thuế quan, mới có thể khiến Trung Quốc nhượng bộ.

Văn phòng Thương mại Mỹ cũng phủ nhận thông tin đăng tải trước đó rằng Robert Lighthizer nói với một số nhà công nghiệp Mỹ là do Mỹ-Trung Quốc nối lại đàm phán nên Washington tạm hoãn việc áp thuế vòng mới đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy Mỹ vẫn có kế hoạch nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% hiện nay lên mức 25% bắt đầu từ ngày 1/1/2019, nhưng nếu quan sát những gì diễn ra trong gần 2 năm qua có thể thấy chính sách kinh tế thương mại của Nhà Trắng vẫn do Tổng thống Donald Trump quyết định.

Nếu kinh tế Mỹ biểu hiện tốt sẽ giúp ông Donald Trump có thêm sự ủng hộ, nhưng trong trường hợp kinh tế Mỹ chuyển biến xấu, Donald Trump sẽ mất không ít phiếu bầu. Có một hiện thực không thể phủ nhận mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt, đó là tổn hại từ chiến tranh thương mại đối với kinh tế Mỹ đang hiện rõ.

Hơn nữa, chiến tranh thương mại đã diễn ra gần được một năm, cho nên ông Trump có đủ động cơ để tạm thời chấp nhận cái mà phía Trung Quốc đưa ra để có thể tuyên bố phía Mỹ đã giành chiến thắng mang tính giai đoạn nhằm “diễu võ giương oai” trước những người ủng hộ.

Nhưng dù ông Donald Trump có nới lỏng một chút cho Trung Quốc trong vấn đề thương mại, điều đó không có nghĩa Washington sẽ thay đổi thái độ trong cuộc đấu tranh với Bắc Kinh.

Gần đây, Washington liên tục lớn tiếng trong vấn đề Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thậm chí còn tuyên bố Biển Đông không thuộc về quốc gia nào và “Mỹ là một phần của Ấn Độ-Thái Bình Dương, là nước đương sự.”

Điều đó phản ánh chính quyền ông Donald Trump sớm có sách lược toàn diện nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự lỏng hay chặt trong chính sách đối với Trung Quốc chỉ là căn cứ theo yêu cầu từng lúc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục