Cúm A/H1N1 "đến chân"… vẫn không chạy

Trái ngược với sự lo lắng của các cơ quan quản lý, nhiều người Việt Nam vẫn “nước đến chân mới chạy”, H1N1 chưa vào nhà họ thì cứ “vô tư”.
“Dịch cúm lợn A/H1N1 chứ gì? Tôi đọc đầy trên báo rồi, nhập viện xong khỏi lại ra có gì ghê gớm đâu...”, anh Hùng một người dân ở đường Láng thản nhiên.

Còn rất nhiều người ở Hà Nội mang tư tưởng phớt lờ trước dịch bệnh như anh. Ngày ngày họ vẫn chủ quan như dịch cúm A/H1N1 sẽ không tìm đến họ.

Thờ ơ trước dịch cúm


Tới thời điểm này, Việt Nam đã có gần 700 trường hợp bị nhiễm cúm A/H1N1. Đáng chú ý là đã xuất hiện những "ổ dịch" tập trung tại các khu vực đông người và dễ lây lan nhanh như trường học, công sở... Tuy chưa có trường hợp nào tử vong trong nước, nhưng thực tế cho thấy đây vẫn là dịch bệnh lây lan nhanh, nguy cơ nhiễm bệnh ra cộng đồng là rất lớn trong khi virus để phòng chống vẫn chưa được đưa vào sự dụng đại trà. Thế nhưng, trái ngược hẳn với với sự lo lắng của các cơ quan quản lý, những con số và thực tế đó lại dường như chưa tác động nhiều đến người dân.

Anh Phong, nhân viên công ty xây dựng tỏ ra tự tin: “Dịch cúm dù đã xuất hiện ở Hà Nội nhưng có đến được nhà tôi cũng còn lâu. Dạo trước có dịch SARS rồi dịch H5N1 người này người khác bị nhưng nhà tôi vẫn vô sự. H1N1 chỉ thời gian nữa lại 'êm' ngay ấy mà”.

Có lẽ vì thói quen của nhiều người Việt Nam là “nước chảy đến chân mới chạy”, nên H1N1 chưa “bước vào cửa” nhà họ thì vẫn “vô tư”. Những người còn trẻ, lực lượng lao động chính của đất nước lại tỏ ra bàng quan với dịch bệnh. Họ tin vào sức trẻ với khả năng kháng bệnh của mình, mà chẳng cần tin rằng H1N1 không chừa một ai.

Nhiều người do tính chất công việc phải thường xuyên tới những nơi cộng cộng như dân kinh doanh hay hướng dẫn viên du lịch... từ việc nhỏ tự bảo vệ mình trước dịch cúm A/H1N1 như đeo khẩu trang họ cũng cảm thấy bất tiện nên đành “chặc lưỡi” làm ngơ.

Nhu cầu vui chơi dịp hè cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày đã khiến người dân đổ xô tới các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn Hà Nội: Công viên nước Hồ Tây, công viên Lê Nin, các bờ hồ... mà không cần để ý ở những nơi công cộng đó đang tiềm ẩn sự lây lan dịch cúm A/H1N1. Họ “hồn nhiên” vui chơi, trú nắng, tập thể dục..., thậm chí kéo theo cả con nhỏ đi dạo mà không hề sử dụng khẩu trang phòng chống cúm.

Trạm y tế các phường ngày ngày vẫn cho phát thanh tuyên truyền để dân hiểu biết và phòng tránh dịch cúm lợn. Mặc dù vậy, trước cảnh đường xá ồn ào xe cộ thì việc phát thanh cũng chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”.

Gia đình ông Tùng sống trên phố Đinh Liệt, đối diện Trạm y tế phường Hàng Bạc, vậy mà ông như người “ở hành tinh khác đến” khi nói đến dịch cúm A/H1N1. Ông cho biết, những giờ vô tuyến phát chương trình thời sự thì vợ chồng ông ra hồ Gươm tập thể dục, còn đài của phường có phát thanh cũng không nghe được vì phố rất ồn. Ông không thấy bà con hàng xóm xôn xao bàn tán gì nên chẳng hay biết đến dịch bệnh này.

Mức độ lây lan phụ thuộc vào nhận thức


Trong khi nhà nước và các tổ chức y tế đang lao mình vào cuộc ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 thì sự vô tâm trước dịch bệnh của nhiều người dân chẳng những không góp phần ngăn chặn dịch mà còn có nguy cơ tiềm ẩn để dịch lan rộng hơn.

Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng và Môi trường thì, hiện tại, Việt Nam là một trong số những nước có biện pháp cách ly, xử lý tốt các ca bệnh nên chưa để lây lan ra cộng đồng. Nhưng, nguy cơ lây lan H1N1 là rất lớn. Vì, Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh giao lưu quốc tế nên lượng khách đi lại nhiều, nhất là trong dịp hè khi nhu cầu du lịch tăng cao.

Nhiều khách nước ngoài đến từ vùng dịch cúm A/H1N1, tự do đi lại không được kiểm soát, cộng với hạn chế trong nhận thức của người dân bản địa về dịch cúm sẽ tạo cơ hội cho dịch lan rộng ra cộng đồng.

Đến nay, tuy Việt Nam chưa có truờng hợp nào bị tử vong do dịch này, nhưng sự bất cẩn, tâm lý chủ quan của người dân sẽ dẫn đến tình trạng rất khó đối phó khi dịch cúm A/H1N1 có diễn biến phức tạp.

Ông Nga nhấn mạnh, ngoài các phương tiện thông tin đại chúng công cộng như báo chí, truyền hình…, rất cần đẩy mạnh việc tuyên truyền từ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho dân để giúp họ thấy rõ tầm quan trọng của dịch bệnh, chủ động trang bị cho bản thân cách phòng tránh. Mỗi người dân biết bảo vệ mình sẽ giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Chính quyền các địa phương kết hợp với những tổ chức, đoàn thể xã hội tuyên truyền sâu sát hơn đến người dân, nhất là khu vực nơi cửa khẩu cũng như phong phú các hình thức tuyên truyền: Đến tận nhà dân, trường học, rải tờ rơi, thông qua sinh hoạt hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để dân dễ tiếp nhận.

Nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc giảm hay tăng mức độ lây lan của dịch bệnh. Đã đến lúc người dân không nên đặt mình đứng “ngoài cuộc”, để mặc cho các tổ chức y tế tự xoay sở. “Nước đã đến chân”, phải chăng người dân còn “chưa muốn chạy”?
Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục