Cúm gia cầm bùng phát mạnh, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch

Ngày 3/3, Bộ Y tế tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi bàn giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm độc lực cao có khả năng lây sang người.
Cúm gia cầm bùng phát mạnh, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 3/3, Bộ Y tế tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi bàn giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm độc lực cao có khả năng lây sang người.

Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A(H7N9) đang có chiều hướng gia tăng mạnh cả về qui mô và số lượng mắc. Tốc độc lây lan của bệnh tạo thành đợt dịch thứ 5. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 449 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 96 trường hợp tử vong.

[Những điều cần biết về virus cúm và cúm A]

Đợt dịch thứ 5 này có sự gia tăng về tỷ lệ các trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm (91% so với 85%), thời gian từ ngày khởi phát đến ngày tử vong nhanh hơn (8,5 ngày so với 17 ngày). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong thấp hơn các đợt dịch trước (29% so với 40,8%). Phân tích các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trong đợt dịch thứ 5 cho thấy độ tuổi trung bình mắc cúm là 55 tuổi, trong đó 68% là bệnh nhân nam, 35% các trương hợp mắc làm nông nghiệp.

Như vậy, dịch cúm A(H7N9) đang xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây là hai tỉnh có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam (gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Các địa phương này có các cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc và có lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông hàng ngày lớn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000-10.000 lượt người; 100-200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu...

Đối với cúm A(H5N1), theo báo cáo của Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, trong năm 2016, nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố (gồm: Nghệ An, Cần Thơ và Cà Mau).Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương. Hiện cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh gồm: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An và riêng Quảng Ngãi là cúm A(H5N6). Như vậy, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (H7N9, H5N2, H5N8) có nguy cơ xâm nhập vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.


Việt Nam chưa có trường hợp cúm gia cầm trên người

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Việt Nam đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người. Đối với cúm A(H5N1), trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017, không ghi nhận trường hợp mắc trên người.

Cúm gia cầm bùng phát mạnh, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch ảnh 2Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp về tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh sát Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9)”; ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thường xuyên tổ chức họp Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngành Y tế củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia. Đến nay, nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm gia cầm bao gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) và có thể giải trình tự gen để phát hiện sự biến chủng của vi rút.

Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu nhằm phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm. Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã giám sát trên 900.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia và không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, xác định sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Đã xét nghiệm 3.747 mẫu bệnh phẩm, không phát hiện trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người.

Thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát, đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Camphuchia, chợ đầu mối giao lưu, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc xác định, điều trị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống dịch, điều trị bệnh cúm nói chung và cúm A(H7N9) nói riêng.

Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; thường xuyên tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ gia cầm sống, đặc biệt là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để triển khai ngăn ngừa lây lan sang người.

Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối...


Nâng mức cảnh báo dịch

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm hiện diễn biến rất phức tạp và hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam. Nguyên nhân là do dịch cúm A(H7N9) đang lan rộng tại Trung Quốc với số lượng mắc tăng cao; đặc biệt các tỉnh giáp biên giới Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, gia cầm nhập lậu ở Việt Nam chưa được kiểm soát tốt trong khi đó bệnh không có biểu hiện rõ ràng trên gia cầm khiến người dân chủ quan trong chăn nuôi, giết mổ và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức cảnh báo đối với dịch cúm gia cầm lên tình huống 2 (coi như đã có ca bệnh) để có các biện pháp quyết liệt, phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể chỉ đạo tiêm vắcxin trước trên gia cầm đối với các khu vực có nguy cơ cao. Ngành y tế và ngành nông nghiệp mở rộng giám sát và có xét nghiệm nhanh tại các địa phương giáp tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); đặc biệt là 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai đồng thời, ngành y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.

Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện rà soát lại phác đồ điều trị, thuốc, trang thiết bị sẵn sàng thu dung, điều trị khi có ca bệnh. Các địa phương, Bộ, ngành thường xuyên tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đoàn giám sát tập trung ở phía Bắc và Tây Nam; tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh qui mô địa phương...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh hiện nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc hạn chế đi đến các vùng đang có dịch bệnh để phòng chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.../

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục