Cúm năm 1918 nguy hiểm hơn cúm A (H1N1)

Giữa lúc đang có nhiều lo ngại về nguy cơ lặp lại trận đại dịch cúm Tây Ban Nha từng cướp đi mạng sống của 50 triệu người trên thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 1/5 cho biết virus cúm A (H1N1) mới hiện nay không có loại gien nguy hiểm như chủng virus gây ra đại dịch cúm nói trên năm 1918.

Giữa lúc đang có nhiều lo ngại về nguy cơ lặp lại trận đại dịch cúm Tây Ban Nha từng cướp đi mạng sống của 50 triệu người trên thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 1/5 cho biết virus cúm A (H1N1) mới hiện nay không có loại gien nguy hiểm như chủng virus gây ra đại dịch cúm nói trên năm 1918.

Theo Tiến sĩ Nancy Cox, chuyên gia hàng đầu về bệnh cúm ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh,  vius cúm A (H1N1) là sự tổng hợp từ bốn hướng "rất bất thường" gồm gien virus gây cúm ở người và gien của các virus cúm lợn phát hiện ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu, tuy nhiên "không có mầm mống nguy hiểm như đã thấy ở chủng virus cúm năm 1918".

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, nơi đang xúc tiến nghiên cứu vacxin chống cúm A (H1N1), cho biết công việc đang tiến triển tốt, song cũng phải mất vài tháng mới có thể cho ra đời một loại vacxin mới.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng Liên hợp quốc vẫn đang tiếp tục điều tra, tìm hiểu xem loại virus mới đang gây hoang mang trong cộng đồng thế giới hiện nay có lan truyền giữa những con lợn nuôi ở Mexico hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) cho rằng nếu phát hiện virus này vẫn hiện diện trong các đàn vật nuôi, khi đó sẽ phải áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Hai tổ chức này cho biết đến nay việc sử dụng thịt lợn vẫn hoàn toàn an toàn đối với người tiêu dùng khi được chế biến đúng cách và nấu kỹ, còn việc tiêu huỷ lợn là sai lầm.

Theo thông báo của WHO ngày 1/5, những xét nghiệm cho thấy các loại vacxin phòng cúm theo mùa hiện nay có rất ít tác dụng trong việc chống cúm A (H1N1) mới, trong khi có thể phải mất từ 4 - 6 tháng nữa để tạo ra những liều vacxin đầu tiên chống virus cúm mới.

Mỗi một ngày trôi qua, danh sách về các trường hợp mới nhiễm cúm A (H1N1) tiếp tục dài ra và đến nay đã có 15 nước chính thức xác nhận có bệnh nhân cúm A (H1N1).

Cộng đồng người Việt Nam tại Mexico - nơi là tâm điểm của dịch cúm hiện nay vẫn bình yên và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được áp dụng ở nước này.

Tại Mexico đã có 176 người tử vong, 358 người được xác định và 2.500 trường hợp nghi nhiễm cúm A (H1N1). Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova nhận định dịch cúm A (H1N1) ở Mexico hiện "không còn quá hung hãn" như lo ngại ban đầu, song có thể gây thiệt hại tới 70 tỷ USD về kinh tế.

Ở Mỹ là 1 người chết và 145 trường hợp được xác định nhiễm cúm.

Ngay sau khi chính thức xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus cúm A (H1N1) và cũng là trường hợp đầu tiên báo hiệu virus cúm mới đã "gõ cửa" châu Á, tối 1/5, chính quyền HongKong đã nâng mức cảnh báo về cúm lên mức khẩn cấp.

Khách sạn Metropark, nơi bệnh nhân nhiễm cúm đến từ Mexico lưu trú, đã tạm thời bị đóng cửa và được các nhân viên y tế, cảnh sát giám sát chặt chẽ. Toàn bộ nhân viên khách sạn, khách lưu trú tại đây cũng như những người từng tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly.

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 2/5 thông báo đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A (H1N1) tại nước này. Bệnh nhân là một nữ tu sĩ 51 tuổi, người đã được cách ly từ ngày 28/4 sau khi trở về từ Mexico.

Tại Anh, ngày 1/5, một quan chức y tế đã xác nhận trường hợp lây nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên từ người sang người ở Anh. Nạn nhân, một người đàn ông Scotland, là người Anh thứ 10 cho kết quả xét nghiệm dương tính với chủng cúm A (H1N1), song là trường hợp đầu tiên ở Anh nhiễm virus chết người này mà không tới Mexico.

Pháp đã xác nhận hai trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên ở nước này. Hai bệnh nhân, gồm một người đàn ông 49 tuổi và một phụ nữ 24 tuổi, vừa mới trở về từ Mexico và đã được nhập viện ở Paris để điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục