Cùng “bắt tay” để lành mạnh hóa môi trường đầu tư

Kiểm toán Nhà nước đang "bắt tay" với một loạt các cơ quan kiểm toán quốc gia khác tiến hành kiểm toán chung các dự án đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vừa chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan kiểm toán Nhà nước Campuchia và Lào về thúc đẩy chương trình kiểm toán chung các dự án đầu tư và hợp tác kinh tế.

Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của việc bắt tay mở rộng hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với các tổ chức kiểm toán quốc gia các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và đa phương.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ-Tổng Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này.

- Một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 vừa được phê duyệt là vấn đề đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như đa phương và thực tế Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có quan hệ với hơn 30 tổ chức kiểm toán tối cao các nước . Vậy ông có thể cho biết mục tiêu của những cái “bắt tay” chiến lược này?

GS. TS Vương Đình Huệ:
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là một cơ quan còn trẻ, mới chỉ 16 tuổi, vì vậy việc hợp tác, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là đối với những cơ quan kiểm toán phát triển trên thế giới và các tổ chức quốc tế là một hướng ưu tiên, có tính chất chiến lược.

Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Ngoài ra còn có một cơ chế đa phương nữa là thỏa thuận các cuộc gặp giữa người đứng đầu cơ quan kiểm toán ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong thời gian tới, trong khuôn khổ của ASOSAI, INTOSAI và các diễn đàn đa phương, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp để có tiếng nói chung về các chủ đề lớn mà các kỳ đại hội của hai tổ chức này đang thực hiện, đó là những chuyên đề có liên quan mật thiết đến việc phát triển kinh tế xã hội của các nước, đặc biệt là những vấn đề đặt ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi.

Một hướng hợp tác nữa là trong các quan hệ song phương, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam rất chú trọng và đã ký thỏa thuận hợp tác với trên 30 tổ chức kiểm toán tối cao và các hiệp hội kế toán - kiểm toán trên thế giới. Các quan hệ song phương này rất có lợi cho sự phát triển về tổ chức, hoạt động của mỗi cơ quan kiểm toán nói riêng và kinh tế nói chung.

Riêng với Việt Nam, trên cơ sở các đoàn cấp cao và chuyên gia, chúng ta sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm mà các nước khác phải mất hàng chục năm, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách về trình độ và phối hợp trong các cuộc kiểm toán chung. Đối với khu vực, chúng tôi đã có những thỏa thuận khung với Cơ quan Kiểm toán Lào, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Campuchia.

- Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Kiểm toán Nhà nước của Lào và Campuchia để xúc tiến việc kiểm toán các chương trình, dự án hợp tác đầu tư giữa các bên. Vậy, ông có thể cho biết cụ thể phạm vi và tính chất của các đợt kiểm toán này?

GS.TS Vương Đình Huệ: Theo thỏa thuận hợp tác, chúng tôi sẽ phối hợp với phía bạn Lào và Campuchia để kiểm toán chung các dự án đầu tư và dự án hợp tác kinh tế, qua đó tăng cường, thúc đẩy việc phát triển các quan hệ thương mại, kinh tế ba nước Đông Dương.

Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước Lào kiểm toán dự án đầu tư trụ sở Văn phòng Quốc hội Lào có sử dụng nguồn vốn viện trợ của Việt Nam. Sau đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu để kiểm toán sang các dự án thủy điện, dầu khí, viễn thông đang hợp tác với Lào và Campuchia phù hợp với Hiến pháp mỗi nước và thông lệ quốc tế.

- Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có chương trình hợp tác kiểm toán chung nào nữa không, thưa ông?

GS.TS Vương Đình Huệ: Cũng theo chương trình hợp tác đã ký kết với Kiểm toán Nhà nước Liên bang Nga trong năm 2009, chúng tôi đã phối hợp thành công trong kiểm toán liên doanh dầu khí Vietsopetro.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước Liên bang Nga thực hiện kiểm toán “ Việc sử dụng kinh phí hoạt động kiểm tra nhà nước đối với chất lượng các mặt hàng cá, hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản.” Thông qua kết quả kiểm toán này sẽ làm minh bạch và tăng cường hơn nữa việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là mặt hàng hải sản để thúc đẩy trao đổi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như kinh nghiệm để chúng ta có thể mở rộng ra các ngành và lĩnh vực khác.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về cơ chế giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm mà Việt Nam hợp tác với Nga?

GS.TS Vương Đình Huệ: Chúng tôi đã thống nhất là kiểm toán theo cơ chế song song. Phía Nga sẽ kiểm toán các tổ chức, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về Chất lượng và vệ sinh an Thuỷ sản. Việt Nam cũng tiến hành kiểm toán song song tại các cơ quan chức năng của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng thời xem xét và đánh giá cụ thể tại một số doanh nghiệp lớn trong việc sản xuất, chế biến các mặt hàng hải sản và xuất khẩu sang Nga.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán song song đó, 2 bên sẽ xây dựng kết quả kiểm toán chung để kiến nghị chính phủ mỗi nước tăng cường hơn nữa hiệu quả và quy mô đầu tư cho việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua đó cũng đề xuất với Chính phủ Nga hỗ trợ kinh phí, tăng cường đào tạo và hỗ trợ phương tiện cho Việt Nam trong lĩnh vực kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm thúc đẩy trao đổi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng.

Về tiến độ thực hiện, các bạn Nga đã có chuyến khảo sát rất thành công, gồm các chuyên gia Kiểm toán Nhà nước Liên bang Nga và các quan chức thuộc các cơ quan chức năng của chính phủ trong tháng 3 và tháng 4 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam tại phía Nam.

Chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm toán bao gồm các kiểm toán viên giỏi và có kinh nghiệm của chúng tôi để tham gia cuộc kiểm toán này. Dự kiến sau ngày 15/7, các cuộc kiểm toán này sẽ được triển khai và chậm nhất đến cuối năm, hai bên sẽ hình thành được báo cáo kiểm toán chung để trình lên chính phủ mỗi nước.

Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là đề xuất, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của mỗi nước đồng thời thông qua cuộc kiểm toán này, tôi tin rằng hoạt động của các cơ quan hữu quan Việt Nam cũng như của Nga sẽ có độ minh bạch cao hơn.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng quan trọng trong thời gian tới của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội ASOSAI?

GS.TS Vương Đình Huệ: Về chiến lược hội nhập quốc tế, chúng tôi tạm chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 15 năm vừa qua là bước chuẩn bị tích cực cho hội nhập trên cơ sở tạo dựng các khuôn khổ, quan hệ song phương, đa phương, chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Giai đoạn từ nay đến 2015 có thể coi là giai đoạn thực sự hội nhập vào các tổ chức quốc tế như INTOSAI và ASOSAI. Giai đoạn này chúng tôi sẽ cử người tham gia vào các cơ chế hoạt động của hai tổ chức này. Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã được bầu làm thành viên lãnh đạo của ASOSAI.

Từ năm 2015 trở đi, chúng tôi xác định đây là giai đoạn hội nhập tích cực vào các hoạt động của INTOSAI và ASOSAI. Vấn đề quan trọng nhất là nội lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đến đâu, nhất là năng lực và trình độ của đội ngũ làm công tác hội nhập quốc tế. Không những chúng ta phải thành thạo và có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện mà còn phải có trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đủ mạnh mới có thể hội nhập thành công.

Hội nghị lần thứ 42 của Ban điều hành ASOSAI là một hội nghị thường niên và đơn vị tổ chức đăng cai phải có ít nhất 2 năm chuẩn bị. Tham gia hội nghị có 11 nhà lãnh đạo của ASOSAI như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Dự kiến năm nay, Hội nghị sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 8/2010, tại Hà Nội với cương vị là thành viên lãnh đạo của ASOSAI.

Hội nghị sẽ đánh giá, kiểm điểm lại những hoạt động của ASOSAI trong thời gian trước, đề ra những định hướng trong tương lai đồng thời đề cử nhân sự và xác định các chủ đề đưa ra thảo luận tại đại hội INTOSAI sắp tới được tổ chức vào tháng 11/2010 tại Nam Phi.

- Trở thành thành viên lãnh đạo của ASOSAI đồng nghĩa với trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trở nên nặng nề hơn?

GS.TS Vương Đình Huệ: Đúng vậy. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam không những phải hoàn thành nghĩa vụ với tổ chức của mình mà còn phải có trách nhiệm với các thành viên còn lại trong ASOSAI.

Một lợi ích thiết thực khi làm lãnh đạo là đưa được những ý tưởng và tiếng nói cũng có trọng lượng hơn trong việc phát triển nghề nghiệp kiểm toán.

Trên cơ sở đó, chúng ta đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả chi tiêu công, tăng cường quản trị công, cả những vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Hoạt động kiểm toán độc lập, cũng như nhà nước, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho nền kinh tế của mỗi nước cũng như khu vực và thế giới phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là phải an toàn.

Do đó, những vấn đề mà chúng ta đặt ra đối với kiểm soát chất lượng kiểm toán được các đồng nghiệp đánh giá rất cao. Hơn nữa, kiểm toán không phải chỉ làm những việc liên quan đến con số mà còn phải tham gia vào vấn đề quản trị của quốc gia, đánh giá những vấn đề về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, chúng ta cũng được quyền đăng cai các hội nghị, hội thảo lớn, vừa nâng cao hình ảnh của cơ quan kiểm toán lại vừa nâng cao lợi ích quốc gia và hình ảnh quốc gia. Khi tập trung ở Việt Nam, bạn bè trong khu vực và quốc tế sẽ chứng kiến những thành tựu của chúng ta rõ ràng, cụ thể hơn. Vì vậy, có thể coi kiểm toán đang tham gia vào một kênh đối ngoại không chính thức nhưng rất hiệu quả./.

Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục