Cung nghinh xá lợi Phật tổ về chùa Hoằng Phúc tại Quảng Bình

Ngày 15/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức cung nghinh xá lợi Phật tổ từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).
Cung nghinh xá lợi Phật tổ về chùa Hoằng Phúc tại Quảng Bình ảnh 1Rước xe hoa, cung nghinh Xá lợi Phật qua phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) trong Đại lễ Phật đản 2015 (PL.2559). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 15/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức cung nghinh xá lợi Phật tổ từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Myanmar, cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử đã tham dự.

Tại lễ cung nghinh xá lợi, đại diện Giáo hội Phật giáo Myanmar đã trao xá lợi Phật tổ cho đại điện Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo nghi lễ.

Xá lợi được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng là một viên xá lợi xương của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ chùa Shwendagon (Chùa Vàng), thành phố Yangon, ngôi chùa lớn và thiêng liêng nhất Myanmar.

Sau lễ cung nghinh, xá lợi sẽ được rước về đặt tại chùa Hoằng Phúc, thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Chùa Hoằng Phúc (còn có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan) đã có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến.

Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, bị sụp đổ trong cơn bão số 12 năm 1985. Năm 2010, chùa Hoằng Phúc được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Năm 2014, công trình phục dựng chùa Hoằng Phúc do Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với tổng số vốn 40,4 tỷ đồng từ đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phật tử trong cả nước.

Chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa. Công trình sẽ được khánh hạ vào ngày 16/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục