Cung ứng đủ hàng hóa ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến xấu nhất

Dự trữ hàng hóa của Hà Nội trong tháng Tư này tăng gấp 3 lần so với tháng thường, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý 2/2020 với 17 mặt hàng có tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Khách hàng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Khách hàng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chiều 31/3, trước tình hình người dân "đổ xô" ra các chợ, siêu thị... để mua, tích trữ hàng hóa, thành phố Hà Nội khẳng định cung ứng đủ hàng hóa và bình ổn giá ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến xấu nhất.

Thành phố đã làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn để đảm bảo đáp ứng đủ cho người dân trong mọi tình huống.

Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai phương án 3 về việc đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ khu vực bị cách ly với 5 cấp độ trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch COVID-19.

Theo đó, số lượng hàng hóa dự trữ trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý 2/2020 với 17 mặt hàng có tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở cũng xây dựng dự trữ thêm một lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện thị xã đảm bảo "4 tại chỗ," chủ động xác định lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn; thành lập các tổ điều phối hàng hóa thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cho nhân dân, hỗ trợ địa điểm chưa sử dụng (nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao…); doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ hàng hóa và bán lưu động khi cần thiết.

[Đồng lòng diệt giặc COVID-19, không để xảy ra “9 ngày nhân 10”]

Cụ thể, lượng dự trữ hàng hóa cũng được Sở Công Thương giao cho các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp dự trữ cao hơn lượng hàng hóa phân bổ của thành phố.

Đồng thời, Sở yêu cầu doanh nghiệp phân phối, chợ trên địa bàn có phương án bảo vệ cán bộ, người lao động, nhân dân đến mua hàng; làm công tác vệ sinh môi trường nơi kinh doanh, các kho hàng, phương tiện vận chuyển và đảm bảo phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thêm từ 300-500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ người dân.

Các doanh nghiệp sẵn sàng tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online.

Những mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang, nước rửa tay được doanh nghiệp dự trữ với số lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân.

Nhiều doanh nghiệp chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao hoặc khi xảy ra biến động.

Hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục