Cuộc chiến “bán - mua” chưa phân thắng bại

Tuần qua là một tuần đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2009. Cả hai chỉ số cơ bản của thị trường cùng sánh bước vượt qua các ngưỡng cản kỹ thuật vững chắc.
Tuần qua là một tuần đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2009. Cả hai chỉ số cơ bản của thị trường cùng sánh bước vượt qua các ngưỡng cản kỹ thuật vững chắc.

Phiên ngày 14/10, VN-Index bất ngờ băng qua mốc 600 điểm. Theo đó, HNX-Index cũng phá thành công mốc cản 200 điểm. Niềm hưng phấn lan đi khắp thị trường đẩy thanh khoản phá kỷ lục liên tiếp trong hai phiên sau đó.

Chứng khoán - "hố đen” trên thị trường tài chính

Chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh trong tuần, tại sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) số lượng chứng khoán khớp 466 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng là 22.463 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội (HNX), con số cổ phiếu khớp là 266 triệu, tổng giá trị đạt 11.831 tỷ đồng/tuần.

Diễn biến giao dịch trên thị trường cho thấy dòng tiền lớn đang hối hả đổ về chứng khoán ngay trong cả phiên tăng trưởng hay điều chỉnh.

Theo anh Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing Công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS), tuần qua lượng tiền nộp vào tài khoản tại IRS mỗi ngày tăng từ 50% - 60% so với lượng tiền nộp trung bình trong các tuần trước đó. Dòng tiền mới không chỉ vào các tài khoản cũ mà còn ở rất nhiều tài khoản mới được mở. Các nhà đầu tư mới vào thị trường đợt này có thể chia ra thành 3 nhóm.

Một là các nhà đầu tư theo kiểu thời vụ-nghĩa là họ không thường xuyên tham gia đầu tư, chỉ khi thấy thị trường nóng họ mới nhảy vào. Hai là các nhà đầu tư trước đây chỉ chuyên giao dịch trên thị trường OTC nhưng đến nay cũng bị “hút” bởi sự hấp dẫn từ thị trường niêm yết. Ba là những người chưa biết gì về chứng khoán song thấy những người quen của mình kiếm được nhiều lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán nên cũng bắt đầu tham gia.

Cũng theo nhận định của anh Hoàng, nguồn tiền mới hiện nay chủ yếu được đến từ các khoản tài chính dự trữ như vàng, ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm.

Điều này đang cho thấy, chứng khoán đang trở thành “hố đen - hút tiền” trên thị trường tài chính.

Cuộc chiến “Bán – Mua” quyết liệt

Các thành viên trên thị trường vừa “choáng ngợp” trước 107 triệu chứng khoán có giá trị 5.600 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên 15/10 tại sàn HoSE, thì sang tới ngày hôm sau (16/10), không ít người bắt đầu “choáng váng” khi khối lượng giao dịch tiếp tục được thay bằng con số 123 triệu chứng khoán, giá trị tương ứng 5.873 tỷ đồng.

Không ít chuyên gia phải thú nhận về cảm xúc bất ngờ của mình. Các chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D đã thừa nhận: “Chúng tôi đã đánh giá quá thấp lượng cổ phiếu mà người bán có thể bán ra trong phiên giao dịch 16/10 lại lớn đến vậy. Thường thì sau một phiên giao dịch với khối lượng lớn như  vậy thì thị trường sẽ bình yên hơn nhưng với giai đoạn hồi phục sau suy thoái thì rõ ràng là mọi chuyện không đơn giản. Cuộc chiến “Bán - Mua” đã đẩy thị trường có thêm một phiên khớp kỷ lục nữa.”

Các chuyên gia phân tích tại IRS cũng đã phải mở đầu bản tin nhận định thị trường của mình bằng một câu cảm thán.

“Kinh khủng !!! Người mua kinh khủng mà người bán cũng kinh khủng. Cả hai bên lại một lần nữa cùng nhau tạo ra một kỷ lục mới về khối lượng giao dịch cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cứ với cái đà này, con số 10.000 tỷ giá trị giao dịch trong một phiên có lẽ không còn quá xa.”- Theo IRS.

Băn khoăn không thừa

Thế nhưng, trước tình hình thị trường như vậy, vẫn có không ít nhà đầu tư đang tỏ ra băn khoăn về hoạt động phân phối của người bán và cả những yếu tố rủi ro có thể xảy ra khi mà thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu mới tham gia (những người từ trước tới giờ chưa quan tâm hoặc chưa hiểu nhiều với chứng khoán).

Phân tích tại S&D cho rằng, với hai phiên khối lượng giao dịch kỷ lục thì có thể nói rằng gần như toàn bộ các nhà đầu nắm giữ cổ phiếu đã tham gia chốt lời gần hết số cổ phiếu có lãi và với rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đa phần đang có những kết luận tiêu cực hơn khi xem xét về sự phân phối của thị trường.

Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia tại S&D, cần phải thay đổi cách nhìn nhận thị trường. Và vì vậy, họ vẫn tiếp tục lạc quan về triển vọng dài hạn.

 “Khối lượng giao dịch gia tăng kỷ lục trong hai phiên qua có thể xem là sự phân phối trong ngắn hạn của người bán nhưng cũng nên nhìn nhận lượng tiền đổ vào thu gom khối lượng cổ phiếu bán ra đó đang có một góc nhìn dài hạn hơn. Chính vì thế mà thị trường có thể yếu đi trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì vẫn rất tích cực”-các chuyên gia của S&D nhấn mạnh./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục