Cuộc chiến Mỹ-Trung: Cơ đồ nào cho đồng USD, NDT và yen Nhật?

Cuộc chiến thương mại gần đây nhất giữa Mỹ với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là hồi thập niên 70 của thế kỷ XX với Nhật Bản, làm thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng USD. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng USD. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, cuộc chiến thương mại gần đây nhất giữa Mỹ với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là hồi thập niên 70 của thế kỷ XX với Nhật Bản.

Cuộc chiến thương mại đó đã làm thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản trong khi bản chất của thâm hụt thương mại Mỹ vẫn không thay đổi.

Đầu những năm 80 cả thế kỷ XX, Nhật Bản chiếm tới 50% thâm hụt thương mại của Mỹ. Ngày nay, Trung Quốc cũng chiếm gần 50% thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Sắc lệnh 13806 của Tổng thống Donald Trump nêu rõ rằng việc khôi phục ngành sản xuất là vấn đề an ninh quốc gia.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ đó là cùng lúc khôi phục ngành sản xuất và cán cân tài chính của quốc gia chìm trong nợ công này.

Để giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan này và sự thiếu hụt thanh khoản trong thị trường tài chính toàn cầu, đồng Nhân dân tệ và đồng yen của Nhật Bản sẽ phải được “quốc tế hóa” hơn nữa.

Giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD

Việc quốc tế hóa các thị trường chứng khoán ở Tokyo, Thượng Hải và Thâm Quyến, thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ và đồng yen Nhật và xóa bỏ giới hạn sử dụng tiền tệ trong các thị trường năng lượng sẽ giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD trong thị trường tài chính toàn cầu. Cùng lúc đó, nó sẽ giảm sức ép khiến Mỹ phải tăng giá USD trong thời gian dài.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng phải chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu thụ để giải quyết sự mất cân bằng thương mại với Mỹ.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Nhật Bản

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã gia tăng từ năm 2000 trong khi thâm hụt của Mỹ với Nhật Bản vẫn giữ nguyên.

Với việc đầu tư thặng dư thương mại vào các cổ phiếu Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc gần đây đã trở thành các nước nắm giữ nhiều cổ phiếu của Mỹ nhất thế giới.

Tổng nợ công của Mỹ ngày nay lên tới 8,6 nghìn tỷ USD. Kể từ năm 1998, khi tổng tài sản ở nước ngoài của Nhật Bản là 1,3 nghìn tỷ USD, tương đương tổng nợ nước ngoài của Mỹ, giờ đây tổng nợ nước ngoài của Mỹ đã gia tăng gấp 2,7 lần tổng tài sản ở nước ngoài của Nhật Bản.

Đây là điều rất đáng báo động với Mỹ bởi Trung Quốc không phải là đồng minh của Mỹ giống như Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản đã có các cuộc đối thoại chính sách và các thỏa thuận trong nhiều thập kỷ qua để hợp tác về mặt chính sách.

[Tổng thống Mỹ đánh giá về vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc]

Tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc bình thường hóa lãi suất và mục tiêu dài hạn nhằm khôi phục ngành sản xuất hiện rất khó giải quyết bởi Mỹ đang đồng thời sở hữu khoản nợ công lớn nhất thế giới và đồng tiền chính của toàn cầu.

Để thúc đẩy tính cạnh tranh của ngành sản xuất, việc duy trì đồng USD yếu là điều cần thiết nhưng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ làm tăng giá đồng USD.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất, dòng vốn sẽ đổ ra ngoài nước Mỹ, khiến họ khó có thể “chống chọi” trước khoản nợ công. Mặt khác, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, tình trạng thoái vốn khỏi các nền kinh tế đang nổi có thể gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu.

Các thách thức của Trung Quốc

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã gia tăng hơn 300%, từ 2,4 nghìn tỷ USD lên 10,2 nghìn tỷ USD năm 2017.

Trong giai đoạn đó, GDP của Mỹ tăng chưa đầy 40%, từ 12,8 nghìn tỷ USD năm 2001 lên 17,3 nghìn tỷ USD năm 2017. Sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không được giải quyết cho đến khi Trung Quốc chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào tiêu thụ trong nước.

Để đạt được điều này, Trung Quốc phải đối mặt với vô số thách thức trong nước, từ cải cách các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề nợ gia tăng, tới việc tự do hóa thị trường vốn.

Để giải quyết các thách thức này, Trung Quốc sẽ phải hợp tác với Mỹ theo cách Nhật Bản đã giải quyết các quan ngại của Mỹ, bắt đầu bằng Sáng kiến Các Trở ngại Cơ cấu năm 1989, điều giúp Nhật Bản mở cửa thị trường nội địa cho các công ty nước ngoài và khiến nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa để giảm sự mất cân bằng thương mại.

Đồng Nhân dân tệ và đồng yen Nhật nên được quốc tế hóa

Trong lúc đó, đồng Nhân dân tệ và đồng yen Nhật sẽ phải phát triển để bù cho sự thiếu hụt thanh khoản toàn cầu do việc bình thường hóa chính sách tiền tệ và tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ. Đồng Nhân dân tệ sẽ trở nên quan trọng hơn bởi Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển với tư cách nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, hợp đồng dầu thô tương lai đầu tiên được định giá bằng đồng Nhân dân tệ đã được chính thức giao dịch trên Sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải hồi tháng 3/2018.

Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ sẽ không thể thay thế vai trò của đồng USD trong tương lai gần bởi các thách thức kể trên. Do vậy, Nhật Bản sẽ cần hỗ trợ đồng Nhân dân tệ và USD bằng việc quốc tế hóa đồng yen như đồng tiền bổ sung cho các khoản vay dành cho các nền kinh tế đang nổi, cung cấp trái phiếu và các hợp đồng được định giá bằng đồng yen và quốc tế hóa Sàn Chứng khoán Tokyo.

Điều này sẽ giúp ổn định thị trường tài chính toàn cầu với việc giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD và hỗ trợ thương mại tự do cũng như đảm bảo tính thanh khoản của các tiền tệ khác nhau, vốn là chỗ dựa cho thương mại thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục