Cuộc chiến ngân sách tại Mỹ ngày càng căng thẳng

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ ngăn cản các đề xuất chính sách của đảng Dân chủ nếu Tổng thống Obama quyết tăng thuế người giàu.
Trong một dấu hiệu phản ánh chiều hướng nội bộ chính trị Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng, ngày 11/12, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã chính thức tuyên bố sẽ ngăn cản các đề xuất chính sách của chính quyền đảng Dân chủ nếu Tổng thống Barack Obama quyết tâm thực hiện chủ trương tăng thuế đối với thiểu số người giàu, nền tảng chính trị của đảng Cộng hòa.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Thượng nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết nếu Tổng thống Obama kiên quyết buộc Quốc hội tăng thuế đối với 2% người giàu có nhất nước Mỹ thì sang năm 2013, phe Cộng hòa sẽ cứng rắn hơn trong các vấn đề, đặc biệt là tăng mức trần nợ công. Tương tự, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Corker cho biết trước mắt, Quốc hội có thể sẽ phải nhượng bộ Nhà Trắng trong chính sách thuế ngắn hạn, nhưng sang năm tới, phe Cộng hòa sẽ gây áp lực lên Nhà Trắng trong vấn đề cắt giảm chi tiêu và cải cách các chương trình phúc lợi để có thêm nguồn thu, góp phần từng bước giảm khoản nợ quốc gia đã tới mức nguy hiểm.

Lời cảnh báo này của phe Cộng hòa được đưa ra khi tổng khoản nợ quốc gia của Mỹ đến hết tháng 11 đã lên tới 16.268 tỷ USD trong khi mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép là 16.394 tỷ USD. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, chi tiêu của chính phủ liên bang nhiều khả năng sẽ lên tới mức trần nợ công vào cuối năm nay. Nếu Quốc hội không sớm nâng mức trần nợ hoặc có các giải pháp đặc biệt thì đến đầu năm 2013, chính phủ liên bang sẽ rơi vào tình trạng không còn ngân sách để chi tiêu.

Trong khi đó, cùng ngày, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cũng đã hối thúc chính quyền Tổng thống Obama và phe Cộng hòa tại Quốc hội nhanh chóng thỏa hiệp, thu hẹp những bất đồng để đạt được một thỏa thuận về chính sách tài chính nhằm giúp nước Mỹ tránh va vào "vách đá tài chính."

Trong thư gửi Tổng thống Obama và các nhà lập pháp Mỹ, 160 giám đốc điều hành (CEO) các hãng lớn nhất nước Mỹ, trong đó có tập đoàn Boeing, tập đoàn hóa chất Dow Chemical và tập đoàn công nghệ Honeywell International, nhấn mạnh tình trạng bế tắc chính trị đang đẩy nền kinh tế Mỹ tiến gần hơn đến "vách đá tài chính", đồng thời tạo nên một sự bất ổn toàn cầu, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư và tuyển dụng mới.

Theo đề xuất của các CEO, các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa cần hướng tới một thỏa thuận chung theo hướng cân bằng giữa việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và các giải pháp cho những khó khăn tài chính trong dài hạn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Medicare) và các chương trình an sinh xã hội khác. Các CEO này đồng thời cam kết sẵn sàng ủng hộ một giải pháp thống nhất giữa Nhà Trắng và Quốc hội, bao gồm cả việc cải tổ toàn diện hệ thống thuế toàn diện và giảm chi tiêu nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách phình to hơn.

Mặc dù đã có nhiều vòng thương lượng suốt từ khi Quốc hội cũ nhóm họp trở lại sau bầu cử, đến nay Nhà Trắng và Quốc hội vẫn bất đồng sâu sắc xung quanh việc cắt giảm chi tiêu và cải cách hệ thống thuế. Hồi đầu tháng này, phe Cộng hòa đã gửi cho Nhà Trắng bản đề xuất cắt giảm 2.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm, trong đó có 800 tỷ USD cải cách hệ thống thuế, 600 tỷ USD từ quỹ chăm sóc y tế và 600 tỷ USD từ những cắt giảm chi tiêu khác.

Tuy nhiên, bản đề xuất này ngay lập tức đã bị Nhà Trắng bác bỏ vì không bao gồm việc tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu, một mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch cải cách thuế của Nhà Trắng.

Về thái độ của người dân, kết quả thăm dò chung của Politico/George Washington University công bố ngày 10/12 cho biết có 60% những người được hỏi ý kiến ủng hộ chủ trương của Tổng thống Obama tăng thuế đối với 2% người giàu so với 38% số ý kiến phản đối.

Trong khi đó, có 70% người dân Mỹ muốn Nhà Trắng và Quốc hội gạt bỏ những mâu thuẫn đảng phái để đạt được một giải pháp thỏa hiệp, nếu không đến ngày 1/1/2013, hàng loạt thứ thuế sẽ tăng và ngân sách nhiều bộ ngành sẽ tự động bị cắt giảm. Giới chuyên gia nhận định tình huống này nếu xảy ra có thể đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi trở lại suy thoái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục