Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những tác động với kinh tế Mỹ

"Súng đã khai hỏa" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, các nhà kinh tế cũng như chủ các hãng sản xuất của Mỹ đều bày tỏ lo ngại mối tác động này với nền kinh tế Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những tác động với kinh tế Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo Đài TNHK, "Súng đã khai hỏa" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, và sẽ có thêm nhiều nạn nhân từ tất cả các bên.

Nhưng về phía Mỹ, thiệt hại trước mắt sẽ là nhà máy giảm giờ làm, sa thải nhân công, lợi nhuận ít đi và các công ty Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi hoạt động ở Trung Quốc. Mặc dù thiệt hại của Mỹ hiện giờ vẫn hạn chế, nó sẽ nhanh chóng lan rộng nếu chính quyền của ông Donald Trump quyết định đi tới cùng với những lời đe dọa áp thuế của mình. Các nhà kinh tế cũng như chủ các hãng sản xuất, được các báo Mỹ dẫn lời, đều bày tỏ lo ngại.

[Chuyên gia Trung Quốc đánh giá ảnh hưởng căng thẳng thương mại với Mỹ]

Ông Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của bộ phận phân tích của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, được USA Today dẫn lời, nhận xét: “Sẽ tổn thương nền kinh tế nhưng cho đến nay tác động vẫn trong tầm kiểm soát. Nếu cuộc chiến leo thang thì nó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn và có lúc phá hoại nền kinh tế vận hành tốt rồi dẫn đến suy thoái.”

Hãng Trans-Matic ở Holland, tiểu bang Michigan, chế biến kim loại thành các bộ phận xe hơi cũng như các bộ phận của khóa cửa. Giám đốc tài chính công ty Steve Patterson cho biết Trans-Matic phải chịu chi phí thép cao hơn trong vài tháng qua do các nhà sản xuất thép của Mỹ đã tăng giá thành để đón đầu thuế suất cao hơn mà Mỹ áp lên kim loại nhập khẩu.

Với giá cả đầu vào cao hơn như thế, Trans-Matic buộc phải lấy giá cao hơn từ khách hàng của họ là những nhà cung cấp xe hơi. Tuy nhiên một số khách hàng đã giảm đơn hàng, khiến cho doanh thu của Trans-Matic giảm từ 5-10%.

Chính vì vậy, công ty này đang phải cho 300 công nhân Mỹ của họ 5 giờ làm thêm mỗi tuần thay vì 10 giờ làm thêm như trước... Và, ông Patterson lo ngại rằng các nhân viên của ông sẽ chạy sang đầu quân cho các đối thủ, “tình trạng này đang tạo ra hỗn loạn”...

Ở thành phố Poplar Bluff, bang Missouri, hãng Mid-Continent Nail - nhà sản xuất đinh lớn nhất nước Mỹ - đã sa thải 60 công nhân hồi tháng trước. Doanh số của hãng giảm mạnh 70% sau khi ông Trump áp thuế 25% lên thép nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Khi hãng này tăng giá thành sản phẩm, khách hàng của họ đã bỏ đi. Bà Elizabeth Heaton - phát ngôn viên của công ty - cho biết giờ đây Mid-Continent đang nghiêm túc xem xét sa thải đợt hai với 200 công nhân, và toàn thể 500 nhân công có thể sẽ bị cắt giảm trước tháng 9 năm nay. Hãng AP đưa tin tác động từ sự suy giảm của hãng này đang lan ra khắp khu vực.

Ở Phoenix, bang Arizona, ông Greg Hankerson, đồng sở hữu hãng Vintage Industrial vốn chế tạo sản phẩm thép dùng trong nhà, cho biết mức thuế 25% đánh vào thép nhập khẩu đã khiến chi phí nguyên liệu tăng cao, buộc ông phải tăng giá bán lên từ 5-10% hồi đầu năm đối với một loạt mặt hàng và nhiều khả năng sẽ có thêm đợt tăng giá nữa.

Ở bang Wisconsin, ngành công nghiệp sữa đang chật vật với mức thuế từ 15 đến 25% mà Mexico áp lên 387 triệu USD các sản phẩm bơ của Mỹ.

Ông Pete Hardin, chủ tạp chí Milkweed, một ấn phẩm của ngành, nói: “Chúng tôi đang nhìn thấy doanh thu của các nông trại sữa ở Wisconsin bị mất sạch 20% mỗi tháng. Điều đó cho thấy mớ bòng bong này nguy hiểm như thế nào."

Lý do là các nông dân nuôi bò sữa đã bắt đầu giảm giá cho những nhà thu mua sỉ để bù vào mức thuế cao hơn mà họ phải chịu, khiến cho thu nhập của họ bị giảm xuống. Các nông dân ở tiểu bang này đã phải gồng gánh vì tình trạng sữa dư thừa...

Ông Zandi được USA Today dẫn lời ước tính trong năm tới, toàn bộ những mức thuế này sẽ khiến nước Mỹ mất khoảng 170.000 việc làm và làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang đe dọa đánh thuế thêm lên 400 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và 275 tỷ USD ô tô nhập khẩu. Theo ông, điều này sẽ khiến Mỹ mất tổng cộng 700.000 việc làm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% và nhiều khả năng đưa đất nước vào tình trạng suy thoái.

Trong khi đó, theo báo New York Times, các mức thuế áp lên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty vốn dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và "nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đang nhắm vào."

Theo báo này, các biện pháp thương mại này nhiều khả năng sẽ gây ra xáo trộn nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty Mỹ vốn dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

New York Times dẫn trường hợp của công ty Husco International, một công ty chế tạo có trụ sở ở bang Wisconsin vốn sản xuất các bộ phận sản phẩm cho các hãng như Ford, General Motors, Caterpillar và John Deere, giờ đây phải chịu mức thuế 25% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Austin Ramirez, Giám đốc điều hành của Husco International, cho biết mức thuế mới này ngay lập tức sẽ khiến công ty của ông và những công ty Mỹ khác gặp bất lợi trước các đối thủ ở các nước khác.

Ông Ramirez được dẫn lời nói: “Những người được lợi nhiều nhất từ mức thuế này là các đối thủ của tôi ở Nhật và Đức, vốn cũng đặt phần lớn dây chuyền cung ứng của họ ở châu Á nhưng không phải chịu mức thuế như vậy.”

Ông Ramirez nói rõ công ty của ông không thể nào chịu được chi phí tăng thêm như thế, nên buộc lòng phải chuyển nó thành giá thành cao hơn cho khách hàng. Ngoài ra, ông cũng lo sợ rằng các biện pháp trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng của Trung Quốc cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của ông ở Trung Quốc.

Ông Ramirez còn nhấn mạnh “một trong những ẩn số lớn đáng sợ là chúng ta không biết được Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Có rất nhiều thứ họ có thể làm để khiến cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc thêm khốn đốn vốn sẽ gây tổn thất lớn cho chúng tôi”...

Kế hoạch đánh thuế ban đầu của chính Trump dự định sẽ không để ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ với việc không đánh thuế nhiều mặt hàng mà các hộ gia đình Mỹ mua của Trung Quốc, chẳng hạn như TV màn hình phẳng và giày.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ vốn dựa vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều do các biện pháp thuế này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm trung gian và các thiết bị máy móc mà các công ty Mỹ mua của Trung Quốc và cuối cùng bán ra thị trường Mỹ và các nước khác.

Các kinh tế gia cho rằng cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ khiến chi phí cho các ngành công nghiệp Mỹ gia tăng, nhiều khả năng đe dọa các công việc trong lĩnh vực sản xuất mà ông Trump từ lâu nói rằng ông muốn bảo vệ. Và những chi phí cao thêm này cuối cùng dồn lên vai người tiêu dùng Mỹ.

Ông William Zarit, Chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, được Washington Post dẫn lời trong một thông cáo, nhận xét: “Không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại”...

Và về phía Trung Quốc, chiến thuật phản công của họ có thể không dừng lại ở việc đánh thuế mà còn là ở các biện pháp kiểm dịch tùy tiện và các biện pháp kiểm tra hải quan khắt khe hơn và tốn kém hơn.

Ông Shaun Rein, Tổng Giám đốc China Market Research Group ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhận định bước kế tiếp của chính phủ Trung Quốc có thể là khơi dậy tinh thần bài Mỹ trong người tiêu dùng Trung Quốc - tương tự như hồi họ tẩy chay tập đoàn Lotte của Hàn Quốc hồi năm ngoái vốn khiến tập đoàn này phải đóng cửa hàng chục cửa hàng tiện lợi của họ ở Trung Quốc...

Theo CNBC, các nghị sỹ hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích việc Tổng thống Trump áp thuế lên những đối tác thương mại chính của Mỹ. Nhiều nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan sẽ gây hại cho các công ty Mỹ, làm tăng thêm chi phí đối với người dân Mỹ và giảm lợi ích của đợt cải cách thuế vừa qua.

Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích đối với các chính sách của ông Trump, cho đến nay các lãnh đạo Đảng Cộng hòa vẫn không ủng hộ nỗ lực bên trong Đảng nhằm hạn chế quyền áp thuế của ông Trump. Điều này cho phép Tổng thống Trump tiến tới trong chính sách thương mại của ông...

Ông Mitt Romney, một người từng là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói rằng ông hy vọng những biện pháp thuế quan này "nhanh chóng bị dỡ bỏ" và được thay thế bằng một thỏa thuận mậu dịch mà hai bên đều đồng ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục