Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Washington tăng đòn, đợi "quả"

Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết giới chức Mỹ đang thảo luận về khả năng "gặt hái" thành quả (trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc) trong 6-12 tháng tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Washington tăng đòn, đợi "quả" ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Trong khi ở Trung Quốc tồn tại nhận định cho rằng sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ “mềm mỏng” hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Thế nhưng, những tín hiệu phát đi từ Washington lại không cho thấy khả năng này.

Nhật báo Đông Phương ngày 1/8 dẫn thông tin đăng tải trên Bloomberg cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang bí mật trao đổi nhằm tìm cách khởi động lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung, tránh để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào chiến tranh thương mại toàn diện.

Hai bên tuy chưa xác định được thời gian biểu cụ thể cho việc mở lại đàm phán cũng như chủ đề và hình thức đàm phán, nhưng đều nhất trí Mỹ-Trung cần phải tiến hành thảo luận thêm.

Cùng với đó, nguồn tin của Bloomberg cho hay chính phủ của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch nâng cao mức thuế trừng phạt nhằm vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ mức đề xuất ban đầu là 10% lên 25%. Phương án này chưa có quyết định cuối cùng và cần phải thăm dò phản ứng của người dân, nhưng chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang tồn tại bất đồng không thể khỏa lấp trong lĩnh vực thương mại. Sau khi hai bên áp thuế trừng phạt đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau vào đầu tháng 7 vừa qua, trong vài tuần tới, Mỹ sẽ công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD bị áp thuế trừng phạt. Còn Bắc Kinh, như đã tuyên bố, sẽ có đòn trả đũa tương ứng.

Nhưng khác với nhận định tồn tại ở Trung Quốc rằng Mỹ sẽ thay đổi lập trường sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11 tới, gần đây, Washington liên tục phát đi tín hiệu rằng cục diện bế tắc của chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ không được giải quyết nhanh chóng.

Trả lời phỏng vấn hãng CNBC vào cuối tháng Bảy vừa qua, Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết giới chức Mỹ đang thảo luận về khả năng "gặt hái" thành quả (trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc) trong 6-12 tháng tới.

Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cũng nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra nhượng bộ thực chất làm hài lòng Trump.

Ông Mnuchin nói thêm hiện nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục một số trao đổi bí mật, nếu Bắc Kinh đến với đàm phán bằng hành động nghiêm túc thì Washington luôn sẵn sàng.

Trên thực tế, chính quyền Donald Trump đang có nhiều lợi thế. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, kinh tế Mỹ vẫn có biểu hiện mạnh mẽ với tăng trưởng GDP quý II/2018 đạt 4,1%, gần gấp đôi so với quý 1/2018. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc điều tra dân ý gần đây thường xuyên đạt mức cao nhất kể từ khi lên cầm quyền.

Lập trường cứng rắn của Donald Trump trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc không chỉ giành được sự ủng hộ của người dân Mỹ, mà còn nhận được sự hậu thuẫn của cả lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập.

Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren trước đây vốn phản đối Trump quyết liệt thì hiện nay cơ bản ủng hộ cách Trump xử lý vấn đề Trung Quốc.

Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, người được coi là có thái độ ôn hòa với Trung Quốc, gần đây cũng thay đổi, cho rằng những biểu hiện tốt của kinh tế giúp Mỹ có chỗ dựa vững chắc để gây sức ép với Trung Quốc và chiến tranh thương mại đối với Mỹ giống như “nhịn ăn giảm béo,” sẽ "khổ trước sướng sau."

[Hệ lụy từ cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc]

Các nhân tố này được nhận định là bệ đỡ giúp chính quyền Donald Trump tự tin trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc cũng như trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong khi đó, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ, thị trường chứng khoán và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục đối mặt với xu thế giảm.

Số liệu mới đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy cả ba cỗ xe kéo tăng trưởng kinh tế là tiêu dùng nội địa, công nghiệp và đầu tư của nước này đều giảm tốc.

Trong một diễn biến mới nhất, tập đoàn Chenxi có trụ sở ở tỉnh Sơn Đông vốn được coi là “Vua đậu tương” của Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản vì không còn khả năng thanh toán nợ.

Theo báo Nikkei của Nhật Bản, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vốn làm giá nhập khẩu đậu tương tăng mạnh và ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh doanh có thể là “ngọn cỏ cuối cùng” kéo đổ “con lạc đà Chenxi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục