Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có thể lớn đến mức nào?

Câu hỏi được đặt ra là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ lớn đến mức nào và kéo dài trong bao lâu? Nước nào sẽ thắng và nước nào sẽ bị ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến thương mại này?
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có thể lớn đến mức nào? ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Đến nay, dường như Trung Quốc và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho "một cuộc chiến" trong lĩnh vực thương mại.

Câu hỏi được đặt ra là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ lớn đến mức nào và kéo dài trong bao lâu? Nước nào sẽ thắng và nước nào sẽ bị ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến này?

Theo Thương báo (Hong Kong, Trung Quốc), kể từ khi Mỹ đe dọa áp mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với các sản phẩm từ Trung Quốc hồi cuối tháng 3/2018, các quan chức cấp cao Trung-Mỹ đã trải qua 3 vòng đàm phán.

Mặc dù phía Trung Quốc đã đưa ra thỏa hiệp và nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán, cho thấy họ không muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại, nhưng phía Mỹ sau một thời gian do dự, ngày 15/6 đã tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá khoảng 50 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 6/7, chính quyền Mỹ đã chính thức áp đợt thuế đầu tiên đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc.

Theo quan điểm của chính quyền Trump, các quy tắc thương mại hiện nay đang tạo cho nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc có lợi hơn từ Mỹ, và đã đến lúc không thể không bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, vì vậy, Mỹ cần phải lựa chọn những biện pháp ngoài thông lệ.

Sau khi Mỹ công bố danh sách các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, Trung Quốc cũng nhanh chóng công bố các biện pháp trả đũa với quy mô, mức độ và tiến trình tương tự. Ngoài ra, cũng trong ngày 6/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Washington áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xét trên các lĩnh vực mà hai bên sẽ “giao chiến,” các hạng mục thuế với quy mô 50 tỷ USD mà Mỹ dành cho Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thiết bị cơ khí, dụng cụ quang học và thiết bị điện. Danh sách áp thuế được chia thành 34 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn đầu và 16 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn sau.

Biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng chia làm 2 giai đoạn với mức áp thuế tương tự, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm và than đá, dầu nhiên liệu, ôtô... 

Trong một động thái khác, Mỹ đã tuyên bố nếu Trung Quốc tung đòn trả đũa, Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, danh sách áp thuế sẽ mở rộng lên tới 100 tỷ USD.

Có thể nói, sau khi Trung Quốc đã có những động thái trả đũa, đồng thời đưa ra danh sách với quy mô tương tự Mỹ đưa ra. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chính vì vậy, không loại trừ khả năng mở rộng danh sách áp thuế lên 100 tỷ USD. Nếu thực sự như vậy, đây sẽ là một cuộc chiến thương mại lớn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ được hưởng lợi hơn từ cuộc chiến thương mại này? Câu trả lời vẫn như cũ: Không có ai được hưởng lợi hơn ai. Nói cách khác, không có người thắng trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, chỉ có ai là kẻ thua thiệt hơn mà thôi.

Đã là cùng thua, vậy bên nào có sức chịu đựng hơn. Điều này được quyết định dựa trên 2 khía cạnh: Một là khả năng đối phó với sức ép mà cuộc chiến thương mại mang đến cho tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong nước; Hai là năng lực ứng phó với hậu quả cuộc chiến thương mại của chính quyền, vai trò của chính quyền có vững chắc hay không?.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những tác động với kinh tế Mỹ]

Về sức chịu đựng cuộc chiến thương mại, Trung Quốc và Mỹ có sở trường và sở đoản riêng. Mỹ mạnh về sức mạnh tổng hợp và vai trò lãnh đạo thế giới của một siêu cường, trong khi Trung Quốc lại mạnh về quyền lực của chính quyền và khả năng huy động các nguồn lực trong nước.

Một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, khả năng đối phó với những rắc rối tương tự của chính phủ Trung Quốc đã được kiểm chứng nhiều lần nên họ có kinh nghiệm phong phú.

Về phía nước Mỹ, theo đánh giá chung, mặc dù những tổn thất kinh tế mà cuộc chiến thương mại gây ra cho nước Mỹ không lớn như Trung Quốc, tuy nhiên việc chính quyền Trump có thể trụ vững trước những kháng nghị và các cuộc biểu tình của các ngành nghề chịu tổn thất hay sự công kích của đảng đối lập hay không cũng là điều chưa lường hết được.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu khai màn ngày 6/7 mang theo một rủi ro lớn khi sự leo thang có thể làm suy giảm đầu tư, tác động tiêu cực tới chi tiêu, khiến các thị trường tài chính bất ổn và làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Để giảm bớt những tổn thất, cũng không loại trừ khả năng hai bên sẽ đàm phán để cùng tìm các điểm chung về lợi ích của mỗi bên.

Chính vì vậy, xét cho cùng, “hai bên cùng thua” không phải là sự lựa chọn hợp lý. Đối với chính quyền của Tổng thống Trump luôn thay đổi và một Trung Quốc luôn mong muốn “nhân nhượng cho khỏi phiền,” thì mục đích không phải là “đánh” (tham gia vào cuộc chiến thương mại), mà thông qua “đánh” để giành được nhiều lợi ích thực tế hơn mới là chủ đích của hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục