Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nhìn từ góc độ xung đột văn hóa

Báo Liên hợp Buổi sáng, Singapore vừa đăng bài của chuyên gia nghiên cứu chiến lược-văn hóa Mỹ, cho rằng sự khác biệt về văn hóa và thái độ phản ứng của người Mỹ-Trung cũng là khía cạnh cần quan tâm.
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nhìn từ góc độ xung đột văn hóa ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xung quanh những động thái gia tăng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, Báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore ngày 28/11 vừa qua đăng bài viết của tác giả Vĩ Đạt, chuyên gia nghiên cứu chiến lược và văn hóa Mỹ, cho rằng sự khác biệt về văn hóa và thái độ phản ứng của người dân hai nước Mỹ-Trung Quốc cũng là một khía cạnh cần được quan tâm.

Theo tác giả bài báo, từ khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc đến nay, dư luận hầu như chỉ quan tâm đến các động thái chiến lược và phản ứng của lãnh đạo hai bên.

Trên thực tế, sự đối đầu giữa các quốc gia trong lịch sử bao giờ cũng bao hàm cả khía cạnh xung đột văn hóa, cho dù biểu hiện của nó có khác biệt so với phản ứng của các chính quyền.

Về tổng thể, phản ứng của xã hội Mỹ tỏ ra khá bình thường đối với cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm sản phẩm thay thế khi giá cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao. Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng phổ thông của người dân dường như không bị ảnh hưởng, tỷ lệ tìm được việc làm vẫn gia tăng…

Ngay cả việc một số công ty gặp khó khăn về tài chính hoặc đối mặt với nguy cơ phá sản cũng được xác định là do các nguyên nhân như chiến lược kinh doanh, sự biến động của thị trường trong nước và khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của họ, không phải do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

[Trung Quốc nhanh chóng thúc đẩy đồng thuận thương mại với Mỹ]

Về phương diện dư luận, cơ bản người dân Mỹ không phản ứng quá mạnh đối với xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc. Họ có bàn luận và đề cập vấn đề này, nhưng với thái độ rất bình thường hoặc mặc nhiên chấp nhận và ngầm ủng hộ. Điều này khác hẳn với sự phản ứng mạnh mẽ và gay gắt của những người dân Trung Quốc.

Tác giả bài báo nhấn mạnh nguyên nhân đầu tiên khiến cho phản ứng của người dân có sự khác biệt - Mỹ "lạnh" và Trung Quốc "nóng" - là do môi trường dư luận các nước không giống nhau. Dư luận Trung Quốc tương đối tập trung và một chiều, nên dễ hình thành cục diện "nhất biên đảo" (ngả về một phía), trong khi đó dư luận Mỹ lại đa chiều, bình tĩnh và lý tính hơn.

Nguyên nhân kế tiếp là mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ đối với Trung Quốc quả thực cao hơn rất nhiều so với tác động tương tự mà Bắc Kinh gây ra cho Washington.

Thêm vào đó, một số người Trung Quốc còn cho rằng Mỹ không muốn chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc nên chủ động phát động cuộc chiến thương mại, ngăn cản sự phát triển của Bắc Kinh… Những điều này đã khiến cho người dân Trung Quốc có tâm lý phẫn nộ và bất mãn với Mỹ.

Đương nhiên, có một số ý kiến cũng cho rằng Bắc Kinh vừa qua đã phản ứng quá mạnh, thậm chí "tự cao tự đại" và đi ngược lại với chủ trương "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, khiến cộng đồng thế giới phản ứng, trong đó bao gồm cả phe diều hâu tại Mỹ.

Tác giả bài báo kết luận, trong cuộc xung đột giữa các quốc gia phương Đông và phương Tây, việc tự giải quyết ổn thỏa các công việc liên quan của chính mình, chủ trương giành thắng lợi qua sự cạnh tranh, phát triển lâu dài luôn là sự lựa chọn đúng đắn và chính xác hơn so với các hành động đơn thuần như quyết một trận sống mái hoặc buông súng đầu hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục